Đừng nghĩ cá mập đã là kẻ săn mồi đầu bảng, chính chúng cũng có thể bị ăn thịt.
Vào một buổi sáng sớm lạnh tại vùng biển ngoài khơi Cape Cod, thuộc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, nhà sinh vật học biển Brooke Anderson cùng đội ngũ của cô đang đứng trên boong một con tàu nghiên cứu để chuẩn bị cho một nhiệm vụ đầy thách thức.
Hôm nay, họ sẽ đi bắt cá mập.
Khi con tàu lầm lũi tiến vào một khu vực được cho là nơi cư ngụ của porbeagle, một trong số những loài cá mập lớn sống ở vùng biển Đại Tây Dương, Anderson bắt đầu tập trung cao độ. Cô phóng tầm mắt và quay ống nhòm tứ phía, cho đến khi phát hiện ra một con vật cách đó vài trăm mét.
Con tàu sau đó "nín thở" tiếp cận con vật, Anderson cùng cả đội người thì thả lưới, người thì rải mồi. Gần 1 tiếng sau, họ thành công kéo được con vật lên khỏi mặt nước. Ngay tại khoảnh khắc nhìn thấy con cá mập dài hơn 2 mét nằm yên trên boong tàu, Anderson biết mình đã "vớ bẫm".
Cô nhận ra đó là một con cá mập porbeagle đang mang thai.
Ảnh minh họa.
Chưa bao giờ nhóm nghiên cứu sinh vật học biển tại Đại học Arizona của Anderson tìm thấy một con cá mập cái đang mang thai. Đây sẽ là cơ hội đầu tiên cho phép họ nghiên cứu nó.
"Chúng tôi thực sự muốn tìm hiểu cá mập mang thai sẽ chọn môi trường sống nào, và địa điểm chính xác chúng có thể sinh sản. Các thông tin này sẽ giúp xác định được khu vực có thể được sử dụng để bảo vệ quần thể cá mập đang bị đe dọa này", Anderson giải thích.
Để làm được điều đó, cô nhanh chóng lấy trong bộ đồ nghề của mình ra một chiếc dùi, dùi một lỗ nhỏ qua vây lưng của con cá. Sau đó, Anderson gắn lên vây của nó một chiếc thẻ vệ tinh (PSAT), thứ sẽ thu thập các thông tin về nhiệt độ, độ sâu và vị trí của con cá mập rồi ghi vào thẻ nhớ.
Thẻ vệ tinh PSAT có thể được cài đặt để tự động bật ra sau một khoảng thời gian. Vì thai kỳ của cá mập porbeagle có thể kéo dài tới 9 tháng, Anderson đã cài đặt con số đó.
Cô dự tính sau khi chiếc thẻ bật ra và nổi lên mặt nước, nó sẽ phát ra dữ liệu gửi lên vệ tinh rồi tự động tải về máy tính của Anderson. Thông tin sẽ cho phép Anderson tìm hiểu trong suốt một năm qua, con cá mập porbeagle đã đi những đâu, nó làm gì và đâu là nơi mà porbeagle đã chọn để sinh sản.
Những chiếc thẻ vệ tinh (PSAT) này...
...được gắn trên vây của cá mập.
Thế nhưng mọi chuyện không như dự tính, 158 ngày sau khi con cá mập porbeagle được gắn thẻ và thả trở lại Đại Tây Dương, Anderson đột nhiên phát hiện chiếc thẻ PSAT đã nổi lên trên mặt biển sớm hơn dự kiến hàng tháng.
Điều đáng nói là nó đang trôi nổi đâu đó ở tận vùng "tam giác quỷ" Bermuda, cách Cape Cod hơn 1.000 km. Sau khi giải mã được dữ liệu gửi về từ vệ tính, "tất cả các đều dẫn tôi tới một kết luận duy nhất", Anderson nói:
Porbeagle là loài cá mập có thân hình to lớn và mạnh mẽ. Chúng sống ở Đại Tây Dương, Nam Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Một con cá mập porbeagle có thể phát triển đến kích thước tối đa 3,7 mét và nặng 230 kg. Chúng có họ hàng với loài cá mập trắng khổng lồ (Carcharodon carcharias) nổi tiếng hơn và cá mập mako vây ngắn (Isurus oxyrinchus).
Tuổi thọ của cá mập porbeagle rất dài. Một số cá thể từng được ghi nhận sống đến năm 65 tuổi. Giống như một số loài cá mập lớn khác, cá mập porbeagle sinh con chứ không đẻ trứng, mặc dù chúng là loài cá.
Cá mập cái sẽ rụng trứng trong tử cung, rồi trứng được thụ tinh sẽ nở ngay trong đó. Những con cá mập con sẽ tiếp tục lớn lên trong tử cung trước khi được "đẻ", thực ra là phóng thích. "Điều này giúp chúng có kích thước lớn hơn khi sinh ra. Đây là một chút lợi thế đem lại khả năng sống sót và sinh tồn cao hơn cho cá mập", Anderson nói.
IUCN liệt kê cá mập porbeagle ở Tây Bắc Đại Tây Dương là loài dễ bị tổn thương, và các quần thể ở Đông Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải được cho là ở mức cực kỳ nguy cấp.
Cá mập porbeagle cái thường không sinh sản cho đến khi chúng khoảng 13 tuổi. Chúng sinh trung bình 4 con cá con sau mỗi 1 hoặc 2 năm. Thai kỳ của cá mập porbeagle kéo dài từ 8 đến 9 tháng.
Vì cá mập porbeagle có tỷ lệ sinh sản khá chậm, cái chết của một con cá mập cái có thể làm giảm mức độ phát triển của cả quần thể. Hiện cá mập porbeagle đang bị đánh bắt quá mức và sự mất mát, suy thoái môi trường sống cũng đang ảnh hưởng đến chúng.
Sách Đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) hiện liệt kê cá mập porbeagle ở Tây Bắc Đại Tây Dương là loài dễ bị tổn thương, và các quần thể ở Đông Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải được cho là ở mức cực kỳ nguy cấp.
Nếu có một loài động vật khác đang săn và ăn chúng, điều này cũng có thể đặt loài cá mập này vào nguy cơ tuyệt chủng. Nhất là khi đó là một con cá mập cái đang mang thai.
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers in Marine Science mới đây, Anderson và các đồng nghiệp đã đóng vai các thám tử để mô tả lại chi tiết lập luận cho thấy con cá mập porbeagle mà nhóm cô đang theo dõi đã bị ăn thịt.
Sau khi phân tích dữ liệu từ thẻ vệ tinh PSAT nổi lên khỏi mặt nước, Anderson nhận thấy trong suốt 5 tháng đầu tiên, con cá mập đã bơi ổn định ở độ sâu từ 1-200 mét vào ban đêm và lặn xuống khoảng 6-800 mét vào ban ngày.
Nhiệt độ trung bình của nước xung quanh nó dao động trong khoảng từ 6-23 độ C.
Trong suốt 5 tháng đó, thẻ vệ tinh chỉ truyền dữ liệu về máy tính của Anderson đúng một lần, nghĩa là con cá mập mang thai chỉ ngoi lên khỏi mặt nước một lần duy nhất. Con cá đã bơi liên tục dưới mặt nước ở vùng biển Cape Cod, ngoài khơi Massachusetts.
Độ sâu của con cá mập (cột trái) và nhiệt độ nước xung quanh nó (màu của cột phải). Trong khi độ sâu liên tục biến thiên thì nhiệt độ của con cá trong 4 ngày cuối cùng giữ nguyên ở khoảng 22 độ C.
Thế nhưng bắt đầu từ ngày thứ 154, các nhà khoa học nhận thấy nhiệt độ trung bình của nước xung quanh thẻ PSAT được duy trì ở mức 22 độ C, liên tục trong 4 ngày. Bất chấp sự đẳng nhiệt đó, độ sâu của con cá liên tục thay đổi, nằm trong khoảng 150-600 mét.
Sau 4 ngày đó, chiếc thẻ PSAT bất ngờ nổi hẳn lên mặt nước và truyền tín hiệu liên tục. Và nó nổi lên ở vùng "tam giác quỷ" Bermuda, cách Cape Cod hơn 1.000 km.
"Đó rõ ràng là một sự kiện bất thường", Anderson cho biết. Cô đã tìm mọi cách để giải thích sự biến thiên của độ sâu đối lập với tính đẳng nhiệt của nhiệt độ nước. Nhưng chẳng có lý do nào thuyết phục bằng việc con cá mập porbeagle mang thai đã bị ăn thịt.
"Khi một con vật được gắn thẻ bị ăn thịt, bạn thường thấy các mẫu trong dữ liệu cho thấy cuộc săn mồi đã xảy ra", Anderson nói. "Bạn có thể thấy nhiệt độ tăng cao và ổn định nếu động vật ăn thịt là loài nội nhiệt, vì thẻ hiện đang ghi lại nhiệt độ dạ dày của con vật thay vì nhiệt độ nước".
Đúng vậy, con số 22 độ C chính là nhiệt độ trong dạ dày của con vật đã ăn thịt con cá mập porbeagle dài hơn 2 mét và đang mang thai này. Kẻ săn mồi đã tiêu hóa trọn vẹn con cá mập và cả con non của nó. Trong quá trình đó, nó đã bơi từ Cape Cod tới Bermuda rồi bài tiết thẻ vệ tinh gắn trên vây con cá mập xấu số ra ngoài.
Vị trí con cá mập được thả (ô vuông), nơi nó bơi trồi lên một lần duy nhất (tam giác) và nơi thẻ PSAT trên vây nó nổi lên mặt nước vĩnh viễn.
"Một số loại thẻ vệ tinh có khả năng ghi lại và gửi dữ liệu mức độ truyền sáng cho các nhà nghiên cứu, đây là một trong những cách dễ nhất để xác định một sự kiện ăn thịt, vì cường độ ánh sáng sẽ giảm xuống bằng không bên trong dạ dày của một con vật nào đó", Anderson nói.
"Tuy nhiên, thẻ mà chúng tôi triển khai trên con cá mập porbeagle đang mang thai không gửi cho chúng tôi dữ liệu mức độ ánh sáng, vì vậy chúng tôi phải sử dụng tất cả các dữ liệu còn lại để giải quyết bí ẩn này".
"Tôi cho rằng ít nhất một phần của con cá mập đã bị ăn mất vì chúng tôi cũng đã gắn một thẻ vệ tinh trên vây trên con cá mập", Anderson nói. "Thẻ đó được thiết kế để gửi dữ liệu vị trí trong thời gian thực. Chúng tôi từng mong đợi, nếu mẹ con con cá mập vẫn còn sống, cuối cùng chúng sẽ quay lại mặt nước, nhưng chúng tôi không bao giờ nhận được tín hiệu từ thẻ đó nữa".
Anderson cho biết nghiên cứu này mô tả trường hợp đầu tiên được ghi nhận, về việc một con cá mập porbeagle bị ăn thịt bởi một sinh vật khác. Nhưng sinh vật nào có khả năng giết và ăn thịt toàn bộ hoặc một phần con cá mập khổng lồ này?
"Tôi nghĩ đây có thể là một sự kiện cơ hội", Anderson nói. "Hãy nhớ rằng vụ săn mồi xảy ra ở độ sâu khoảng 300 mét ngoài đại dương, nơi không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm thấy một con mồi béo bở như vậy ".
"Trong trường hợp này, một con cá mập porbeagle lớn đang mang thai sẽ là một bữa ăn tuyệt vời. Vì vậy, nếu bạn nghĩ mình có thể hạ và ăn thịt nó, thì nỗ lực bỏ ra là xứng đáng".
Nghi phạm số 1: cá voi sát thủ.
Nghi phạm số 2: cá mập mako vây ngắn.
Nghi phạm số 3: cá mập trắng khổng lồ.
Sau khi sàng lọc các loài động vật khổng lồ khác có trong đại dương có khả năng săn và ăn thịt cá mập porbeagle, Anderson tìm thấy 3 nghi phạm:
Thứ nhất là cá voi sát thủ, loài vật vốn được biết đến với khả năng săn và ăn cả cá voi lẫn cá mập. Thứ hai là cá mập mako vây ngắn, nó đủ lớn để có thể ăn thịt một con cá mập porbeagle trưởng thành. Và thứ ba là cá mập trắng khổng lồ, một sinh vật nằm trên đỉnh của chuỗi thức ăn trong đại dương.
Nghi phạm đầu tiên là cá voi sát thủ bị loại, bởi trong vùng biển ngoài khơi Bermuda không thường ghi nhận sự hiện diện của loài này. Những con cá mập mako vây ngắn cũng bị loại, bởi chúng thường ăn mực, rùa biển và các loài chim biển nhiều hơn.
Mỗi khi ăn xong một bữa ăn, cá mập mako vây ngắn thường thực hiện các cú lặn nhanh, dao động giữa bề mặt biển và các độ sâu lớn hơn trong ngày khi ở ngoài đại dương. Trong khi đó, dữ liệu từ thẻ vệ tinh PSAT không ghi lại được những cú lặn này.
Cuối cùng, Anderson tin rằng cá mập trắng khổng lồ là kẻ tình nghi khả dĩ nhất. Loài vật này có máu nóng, nghĩa là chúng có thân nhiệt dạ dày ổn định. Chúng thường lặn ở độ sâu ổn định và có thể ăn nhiều sinh vật biển lớn từ cá heo, cá voi cho đến các loài cá mập khác.
"Việc con cá mập porbeagle mang thai của chúng tôi bị săn mồi là một khám phá bất ngờ. Chúng ta thường nghĩ cá mập là những kẻ săn mồi đầu bảng", Anderson nói. "Nhưng với những tiến bộ công nghệ, chúng tôi bắt đầu khám phá ra các tương tác giữa những kẻ săn mồi đầu bảng có thể còn phức tạp hơn so với những gì chúng ta đã nghĩ trước đây".
Cá mập là kẻ săn mồi đầu bảng, nhưng bản thân các loài cá mập cũng ăn thịt lẫn nhau.
Phát hiện này đánh dấu một sự kiện săn mồi bất ngờ và gây chú ý đối với loài cá mập porbeagle, đồng thời làm tăng thêm nỗi lo tuyệt chủng vì đây là loài động vật có tốc độ sinh sản tương đối chậm.
"Điều đáng lo ngại nhất về khám phá này là con cá mập porbeagle bị ăn thịt đang mang thai", Anderson nói. "Trong một khoảnh khắc, quần thể không chỉ mất đi một con cái sinh sản mà còn mất đi tất cả những con non đang phát triển trong tử cung của con cá cái".
Đó thực sự là một mất mát rất lớn với quần thể cá mập porbeagle đang bị đe dọa ở Đại Tây Dương.