Blog là nơi mọi người đưa ra quan điểm và bàn luận về những chủ đề nhất định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng "lắm thầy nhiều ma", mỗi người một ý trên blog khiến người đọc khó nhận ra đâu là thông tin có ích
Trong một khảo sát gần đây giữa các giảng viên tại trường Wharton thuộc đại học Pennsylvania (Mỹ), giáo sư marketing Xavier Dreze khẳng định: "Blog rốt cuộc cũng chỉ là một diễn đàn kiểu mới, dành cho những ai không có khả năng bàn về các chủ đề mà mọi người quan tâm trên forum truyền thống".
Dreze không đọc blog vì ông "chẳng bao giờ rút ra được kết luận cuối cùng. Hàng tá người cùng tham gia, nói lên ý kiến của họ và rất nhiều trong số đó không dựa vào căn cứ nào hết".
Saikat Chaudhuri, một giáo sư khác, cũng tỏ ra nghi ngờ về tính giá trị thông tin trên của cộng đồng này. Ông cho rằng nội dung web cá nhân khá dàn trải và kém chất lượng, còn quan điểm của blogger thực chất bắt nguồn từ nhận định của các chuyên gia.
Ngược lại, Dan Hunter, đảm nhận lĩnh vực đạo đức kinh doanh tại Wharton, thường lướt qua khoảng 50 blog mỗi ngày cập nhật tin tức về công nghệ, sở hữu trí tuệ, video game, kiến trúc và thiết kế nội thất. "Web cá nhân cung cấp đầy đủ những thông tin tôi cần, cả về chuyên môn lẫn các khía cạnh đời thường", Hunter cho hay.
Giảng viên Kevin Werbach cũng duyệt qua tới 300 - 400 blog hàng ngày nhờ công cụ quản lý NetNewsWire và khẳng định cộng đồng blog đã mang đến cho ông những hiểu biết về nhiều vấn đề ông không thông thạo.
Trong khi đó, giáo sư về quản lý thông tin J. Michael Steele lại sử dụng web cá nhân làm công cụ giao tiếp với sinh viên. Ông thường xuyên đăng các bài giảng, bài tập về nhà... trên blog để sinh viên dễ dàng truy cập và kiểm tra thông tin.