Xóa sổ kiến vàng điên xâm chiếm hòn đảo Mỹ

  •  
  • 742

Kiến vàng điên, loài vật bắt nguồn từ Đông Nam Á, xâm lấn đảo san hô Johnston, phun axit formic tấn công chim biển và ngăn chúng làm tổ.

Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã Mỹ (USFWS) hôm 23/6 thông báo loại bỏ thành công kiến vàng điên khỏi Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Đảo san hô Johnston, Thái Bình Dương. Loài ngoại lai xâm lấn này đã quấy nhiễu chim biển trên đảo và ngăn chim làm tổ ở vùng diện tích rộng gần 30 ha.

Kiến vàng điên
Thử nghiệm tiêu diệt kiến vàng điên bằng mồi nhử tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Đảo san hô Johnston. (Ảnh: Robert Peck/USFWS/AP).

"Đây là lần đầu tiên một loài kiến xâm lấn bị xóa sổ trên vùng đất rộng lớn như vậy ở Mỹ. Để đảm bảo tiêu diệt thành công, các nhóm chuyên gia đã theo dõi, tìm kiếm và khảo sát về chúng", Kate Toniolo, quản lý Khu bảo tồn biển quốc gia Quần đảo Xa xôi Thái Bình Dương, cho biết.

Trong khoảng một thập kỷ, kiến vàng điên đe dọa các loài chim biển bằng cách xâm chiếm tổ chim và những thứ khác trên mặt đất. Chúng phun axit formic lên chim, gây thương tích như mù mắt, thậm chí làm mất mạng.

Các đội chống kiến điên gồm cả nhân viên và tình nguyện viên dùng mồi nhử và nhiều biện pháp khác để loại bỏ loài gây hại này. Sau đó, hai con chó được huấn luyện để đánh hơi kiến vàng điên được dẫn đến lùng sục hòn đảo. Chúng đánh hơi hơn 190 km mà không tìm thấy bất cứ con kiến nào.

"Nhiệm vụ của đội chống kiến điên đã hoàn thành, nhưng USFWS sẽ tiếp tục tập trung phục hồi môi trường sống, ngăn các loài xâm lấn khác lan rộng. Hiện tại, chúng tôi rất vui vì hòn đảo lại một lần nữa trở thành nơi cư trú an toàn cho các loài chim biển tuyệt vời", Stefan Kropidlowski, phó quản lý Khu bảo tồn biển quốc gia Quần đảo Xa xôi Thái Bình Dương, chia sẻ.

Đảo san hô Johnston là một trong những vùng đất tách biệt nhất thế giới, nằm cách Honolulu (Hawaii) khoảng 1.320 km về phía tây nam. Hàng chục nghìn chim biển thuộc 15 loài khác nhau sinh sống trên đảo. Đây cũng là ngôi nhà của quần thể chim nhiệt đới đuôi đỏ lớn nhất thế giới và là nơi cư trú duy nhất cho chim trên vùng biển rộng 1,5 triệu km2.

Kiến vàng điên là loài bản địa Đông Nam Á nhưng vô tình được đưa tới các khu vực khác của Thái Bình Dương, trong đó có Hawaii. Chúng có tên như vậy vì di chuyển nhanh và thất thường, đặc biệt là khi bị quấy nhiễu, theo Sheldon Plentovich, chuyên gia tại USFWS.

"Kiến vàng điên loài kiến xâm lấn lây lan rộng và cực kỳ nguy hại. Chúng đã lan ra khắp các đảo chính của Hawaii và gây tác hại lớn về sinh thái với nhiều loài động thực vật, ví dụ như ong mặt vàng Hawaii và chim xây tổ", Plentovich cho biết.

Cập nhật: 28/06/2021 Theo VnExpress
  • 742