Các nhà khảo cổ Trung Quốc mới đây đã khai quật được một ngôi nhà chứa 97 hài cốt dị dạng có niên đại 5.000 tuổi.
Mới đây, các nhà khảo cổ học vừa phát hiện 97 bộ hài cốt trong một ngôi nhà nhỏ khoảng 20m vuông tại một ngôi làng từ thời tiền sử ở miền Bắc Trung Quốc.
Qua nghiên cứu, những bộ hài cốt này có niên đại khoảng 5.000 năm, gồm cả trẻ em, thiếu niên, người già... Họ đều là những cư dân cổ xưa của ngôi làng.
Các chuyên gia cho rằng, đây là hậu quả của một trận đại dịch, có thể là dịch hạch thời xưa. Những thi thể của những người chết bệnh đã bị đưa vào ngôi nhà này trong làng để tránh lây cho người khác.
Trong ngôi nhà, những bộ xương nằm phía Bắc còn nguyên vẹn, ở phía Nam chỉ còn hộp sọ, xương chi xếp thành 2, 3 lớp thành một đống hỗn độn.
Ở một góc của ngôi nhà còn có dấu tích bị cháy, có thể lửa và các dầm gỗ rơi đã làm các bộ xương ở bên ngoài này biến dạng và lộn xộn.
Ngôi làng nằm trong khu di tích Hamin Mangha, đây là khu di tích rộng và được bảo quản tốt nhất được tìm thấy từ trước đến nay ở Trung Quốc.
Trong khu di tích này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều nông cụ, đồ gốm, vũ khí săn bắn... Điều này giúp cho các nhà khảo cổ biết được nhiều hơn về cuộc sống và tập quán của người tiền sử.