Argentina phát hiện hóa thạch khủng long ăn thịt niên đại 83 triệu năm

  •  
  • 115

Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (Conicet) ngày 24/6 thông báo các nhà khoa học nước này vừa phát hiện hóa thạch của một loài khủng long ăn thịt mới sống cách đây 83 triệu năm tại một địa điểm khảo cổ ở miền Nam.

 Một loài khủng long ăn thịt sống cách đây khoảng 83 triệu năm được phát hiện ở Argentina.
Một loài khủng long ăn thịt sống cách đây khoảng 83 triệu năm được phát hiện ở Argentina. (Nguồn: Conicet)

Loài khủng long mới này được đặt tên là “Diuqin lechiguanae”. Theo Conicet, “Diuqin” bắt nguồn từ một thuật ngữ của người thổ dân Nam Mỹ Mapuche bản địa, có nghĩa là chim săn mồi.

Trong khi đó, từ “lechiguanae” được lấy theo tên của Lechiguana - một phù thủy trong bộ phim Nazareno Cruz và chó sói phát hành năm 1975. Tựu trung lại, tên của loài khủng long mới này mang ý nghĩa “loài chim săn mồi Lechiguana”.

Trên trang web chính thức, Conicet mô tả “Diuqin lechiguanae” thuộc họ khủng long hai chân theropod sống từ cuối kỷ Jura đến kỷ Phấn trắng.

Cụ thể hơn, loài mới được phân loại vào nhóm unenlagines - khủng long chân thú có quan hệ họ hàng gần gũi với tổ tiên của các loài chim.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện được hóa thạch của một loài unenlagines có niên đại 83 triệu năm.

Nhà cổ sinh vật học Federico Gianechini cho biết hóa thạch “Diuqin lechiguanae” cho thấy loài này có chiều cao khoảng 2m.

Sau khi quét 3D các mảnh xương hóa thạch, các nhà khoa học xác định con khủng long mất mạng bởi vết cắn từ một loài săn mồi khác và thậm chí bởi một thành viên khác cùng loài. Điều này cho thấy khả năng xảy ra việc “Diuqin lechiguanae” ăn thịt đồng loại.

Cập nhật: 26/06/2024 Báo Quốc tế
  • 115