Trong nền văn hóa của Hy Lạp cổ đại, giấc mơ và mối liên hệ với các khái niệm tiên tri đã từng xuất hiện trong các tác phẩm văn học, bao gồm ghi chép sử học, thơ sử thi, các vở kịch và chữ khắc tại những địa điểm linh thiêng. Những giấc mơ tiên tri rất quan trọng đối với con người thời đó.
Người bệnh ngủ trong đền thờ của Aesculapius hy vọng gặp thần trong giấc mơ.
Trong tác phẩm của mình, các học giả Hy Lạp cổ thường phân biệt hai loại giấc mơ. Loại bình thường tạo ra bởi niềm hy vọng, nỗi sợ hãi và những điều tồn đọng khác trong ngày.
Còn loại quan trọng thì có ba dạng: Một số là tầm nhìn về tương lai theo nghĩa đen; một số liên quan đến biểu tượng cần được giải mã; số khác là những chuyến viếng thăm của thần linh, hồn ma hoặc bạn bè.
Trong tập 1 của quyển Histories, nhà sử học Hy Lạp Herodotus sống vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, viết về vua Croesus của Lydia mơ thấy con trai mình chết vì vết thương do một vật nhọn gây ra. Croesus đã làm mọi cách để giữ cho con trai của mình tránh xa các loại vũ khí. Thế nhưng, ông lại cho phép hoàng tử đi săn, khiến chàng ta vô tình bị ngọn giáo của một vệ sĩ đâm chết.
Cũng phổ biến trong văn học của Hy Lạp cổ đại là những giấc mơ với các biểu tượng cần được giải mã. Điển hình là giấc mơ của Penelope trong Odyssey của Homer.
Theo câu chuyện, Penelope đã phải chịu đựng sự hiện diện của năm mươi người cầu hôn sống trong nhà, làm tiêu hao của cải, trong khi cô kiên nhẫn đợi Odysseus, người chồng, trở về sau chiến tranh.
Ngày nọ, trong giấc mơ, cô thấy năm mươi con ngỗng bị giết bởi một con đại bàng. Giấc mơ này không chỉ mang tính tiên tri, vì thực tế Odysseus đã giết chết những người cầu hôn, mà nó còn là một giấc mơ mang tính biểu tượng, sự kỳ vọng, năm mươi con ngỗng là năm mươi kẻ cầu hôn quấy rối, còn đại bàng chính là Odysseus.
Văn học cổ đại thường kể, cha mẹ có những giấc mơ về sự hủy diệt do con cái gây ra. Herodotus đã đưa ra một dẫn chứng về điều này, khi nhà vua Astyages mơ thấy con gái mình là Mandane đi tiểu khiến cho toàn bộ châu Á bị ngập lụt.
Sau đó, ông mơ thấy cô sinh ra một cây nho làm lu mờ cả châu lục. Theo các phù thủy Ba Tư, giấc mơ của vua hàm ý con của Mandane sẽ phế truất ông. Điều này thực sự xảy ra khi con trai của Mandane là Cyrus đại đế cướp ngôi của người ông và trở thành vua của người Ba Tư vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.
Khi Hecuba, nữ hoàng thành Troy, đang mang thai đứa con trai là Paris, bà đã mơ thấy mình sinh ra một ngọn đuốc đang cháy. Một nhà tiên tri nói với Hecuba rằng, con trai của bà sẽ làm sụp đổ đất nước. Điều này thực sự xảy ra khi hành động của Paris thúc đẩy cuộc chiến thành Troy nổi tiếng.
Tương tự, nữ hoàng Sparta, Clytemnestra, mơ thấy mình sinh con và cho một con rắn bú sữa mẹ, không lâu trước khi bị giết bởi con trai Orestes. Loại giấc mơ mang tính biểu tượng này đã trở thành một mô-típ văn học phổ biến, nhưng cũng phản ánh một thực tế ở những người tin vào các tính chất tiên tri của giấc mơ.
Artemidorus, nhà bói toán vào thế kỷ thứ 2, đã để lại cho chúng ta một cuốn sách về đoán điềm giải mộng, trong đó giải thích ý nghĩa của giấc mơ về các biểu tượng như rắn, cá sấu, săn bắn, nông nghiệp và chiến tranh. Những cuốn sách như vậy dường như rất phổ biến trong thế giới cổ đại.
Vị thần giả dạng Nestor, bạn của vua Agamemnon, xuất hiện trong giấc mơ của ông.
Loại giấc mơ quan trọng thứ ba liên quan đến chuyến thăm của một người bạn, thành viên gia đình hoặc thần linh, những người trò chuyện với người đang mơ. Vị khách này đôi khi là một sứ giả giấc mơ cải trang, được gửi đến bởi một vị thần qua nhiều hình thức, tùy thuộc vào những gì thần yêu cầu.
Ví dụ, trong Iliad của Homer, thần Zeus đã hướng dẫn một nhân vật xuất hiện trong giấc mơ của vua Agamemnon, cải trang thành Nestor, bạn của nhà vua. Người trong hình dạng Nestor bảo Agamemnon hãy đưa quân vào trận chiến chống lại quân Troy.
Mục đích của Zeus là hủy hoại quân đội Hy Lạp. Trong khi đó, trong Odyssey, Athena đã gửi một nhân vật trong mơ cho Penelope, xuất hiện như là chị gái của cô. Người này đã an ủi Penelope và nói với cô rằng con trai cô sẽ trở về sau cuộc hành trình của mình.
Nhiều thế kỷ sau khi những câu chuyện này được viết ra, nhà thơ La Mã, Ovid, tiếp tục đề cập đến những nhân vật trong mơ qua mô tả của ông về Ceyx và Alcyone. Trong bài thơ này, Juno đã gửi Morpheus, người có thể thay đổi hình dạng theo ý muốn, giả làm người chồng Ceyx đến thăm Alcyone trong giấc ngủ của cô.
Trong văn học Hy Lạp cổ đại, vị khách trong giấc mơ thường đến thăm dưới dạng một hồn ma. Ví dụ, Achilles mơ thấy người bạn đồng hành đã chết của mình là Patroclus đến thăm, yêu cầu chàng hoàn thành các nghi thức chôn cất để anh ta có thể chuyển về cõi khác. Khi Achilles cố gắng giữ Patroclus lại, chàng chỉ chạm phải làn khói.
Những vật dụng, đồ đạc thấy trong một giấc mơ và được phát hiện khi thức dậy chỉ thuộc về lĩnh vực thần thoại. Trong một bài thơ của nhà thơ Hy Lạp Pindar, người anh hùng Perseus được cho là đã có được một chiếc dây cương vàng từ trong một giấc mơ.
Aesculapius là một vị thần Hy Lạp cổ đại có khả năng chữa bệnh tuyệt vời. Người ta cho rằng, ông đã đến thăm những tín đồ của mình trong những giấc mơ và cho họ lời khuyên y tế, chẩn đoán và thậm chí là cách chữa trị những căn bệnh.
Các chữ khắc tại những địa điểm thờ cúng của ông là minh chứng cho những giấc mơ như vậy. Những người sùng tín hy vọng có một giấc mơ quan trọng để thực hành, hoặc nghi thức ngủ trong một nơi tôn nghiêm. Một số khu bảo tồn đã kết hợp các phòng cho mục đích cụ thể này.