Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu vì sao nhiều bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng tái đi tái lại qua nhiều tháng.
Vào giữa tháng 3, ông Paul Garner bị “ho nhẹ”. Là một giáo sư về bệnh truyền nhiễm, ông Garner đã thảo luận về virus corona với ông David Nabarro, đặc phái viên về đại dịch của Anh ở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khi kết thúc cuộc gọi trên Zoom, ông Nabarro khuyên ông Garner về nhà ngay lập tức và tự cách ly. Ông Garner đã làm theo lời khuyên. Tuy nhiên, ông Garner chỉ cảm thấy “hơi không khỏe”.
Những ngày sau đó, ông Garner phải chiến đấu với một căn bệnh nhiễm trùng khủng khiếp. Ông mô tả cảm giác “như bị đánh đập” hoặc “bị đập vào đầu bằng gậy đánh bóng”.
“Các triệu chứng vô cùng kỳ lạ”, ông Garner nói. Chúng bao gồm mất mùi, cảm giác nặng nề, khó chịu, khó thở và tim đập nhanh. Đã có lúc Garner nghĩ rằng mình sắp chết.
Ông Garner gọi mình là người trong “nhóm miễn dịch bầy đàn của Thủ tướng Anh Boris Johnson”. Đây là cụm từ chỉ những bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong 12 ngày trước khi Anh áp dụng phong tỏa.
Ông Garner cho rằng bệnh tình của mình sẽ nhanh chóng qua đi. Thay vào đó, các triệu chứng cứ tái đi tái lại. Ông miêu tả sức khỏe và cảm xúc của ông như một chiếc tàu lượn siêu tốc.
"Tôi hoàn toàn kiệt sức", ông đã viết như vậy vào tuần trước cho British Medical Journal.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus Covid-19 gây ra nhiều triệu chứng hơn so với những gì chúng ta đã biết. Và những triệu chứng này có thể kéo dài. Ông Garner đã phải vật lộn với các triệu chứng trong hơn bảy tuần.
Ông bị đau đầu, đau bụng, ù tai, đau khắp người, khó thở, chóng mặt và viêm khớp ở tay. Mỗi lần Garner nghĩ rằng mình đã đỡ bệnh thì các triệu chứng lại xuất hiện.
“Rất nhiều người bắt đầu nghi ngờ chính mình”, ông nói. "Bạn đời của họ tự hỏi liệu họ có điều gì không ổn về mặt tâm lý hay không”.
Ông Paul Garner là một chuyên gia dịch tễ nhiễm Covid-19 và phải chống chọi với các triệu chứng kéo dài. (Ảnh: Guardian).
Kể từ khi bài viết của ông Garner được đăng tải, ông đã nhận được email và những cuộc điện thoại đẫm nước mắt từ những độc giả biết ơn ông đã nói ra vì họ nghĩ rằng họ đang phát điên.
“Tôi là một người nghiên cứu sức khỏe cộng đồng”, ông nói với Guardian. “Virus chắc chắn gây ra nhiều thay đổi về miễn dịch trong cơ thể, rất nhiều bệnh lý kỳ lạ mà chúng ta chưa hiểu. Đây là một căn bệnh mới lạ và gây bực mình. Chưa có sách giáo khoa viết về căn bệnh này”.
Theo nghiên cứu mới nhất, khoảng một trong số 20 bệnh nhân Covid-19 gặp phải các triệu chứng lâu dài lặp đi lặp lại. Vẫn chưa rõ liệu dài hạn có nghĩa là hai tháng, ba tháng hay lâu hơn.
Giáo sư Tim Spector thuộc trường King’s College London, ước tính rằng một số lượng nhỏ - nhưng đáng kể - người đang mắc phải các triệu chứng kéo dài của virus.
Ông Spector là người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại trường King’s College London, nơi đã phát triển ứng dụng theo dõi Covid-19. Ứng dụng cho phép bất cứ ai nghi ngờ họ mắc bệnh cập nhật các triệu chứng hàng ngày. Khoảng 3 đến 4 triệu người đang sử dụng ứng dụng này, chủ yếu là người Anh và người Mỹ.
Ông Spector ước tính rằng khoảng 200.000 trong số đó cho biết họ có các triệu chứng kéo dài trong suốt thời gian nghiên cứu sáu tuần. Cho đến nay, chính phủ Anh không thu thập thông tin về những người có triệu chứng “nhẹ” trong cộng đồng. Đây là những triệu chứng gây suy giảm sức khỏe và nhóm người này đông hơn so với những người được chăm sóc quan trọng.
“Những người này có thể sẽ quay trở lại làm việc nhưng không đạt hiệu suất tốt nhất”, ông Spector nói với Guardian. “Có một khía cạnh khác của căn bệnh này không được chú ý vì suy nghĩ "nếu bạn không chết thì bạn vẫn ổn"”.
Ông nói thêm: “Anh là quốc gia tạo ra ngành dịch tễ học. Chúng không có bất kỳ nghiên cứu dịch tễ học nào khác ngoài ứng dụng trên. Thật xấu hổ”.
Khi có nhiều thông tin hơn, mô hình ban đầu của chính phủ về Covid-19 dường như ngày càng lỗi thời. Nhiều bệnh nhân Covid không bị sốt và ho. Thay vào đó, họ bị đau cơ, đau họng và đau đầu. Ứng dụng này đã theo dõi 15 loại triệu chứng khác nhau cùng với sự mạnh lên và yếu đi rồi lại mạnh lên của các triệu chứng.
“Tôi đã nghiên cứu 100 bệnh. Covid -19 là căn bệnh kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy trong sự nghiệp của mình”, ông Spector nói.
Lời giải thích cho những gì đang xảy ra vẫn còn ở giai đoạn đầu. Bà Lynne Turner-Stokes, giáo sư y học phục hồi chức năng tại trường King’s College London, cho biết Covid-19 là một bệnh “đa hệ thống” có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào.
Nó gây ra các vấn đề mạch máu và cục máu đông. Phổi, não, da, thận và hệ thần kinh có thể bị ảnh hưởng. Các triệu chứng thần kinh có thể đa dạng từ nhẹ (nhức đầu) đến nghiêm trọng (lú lẫn, mê sảng, hôn mê).
Khoảng 3 đến 4 triệu người đang dùng ứng dụng C-19 theo dõi triệu chứng Covid-19. (Ảnh: Getty).
Bà Turner-Stokes nói rằng vẫn không chắc tại sao các triệu chứng đôi khi lại kéo dài như vậy. Một lời giải thích là hệ thống miễn dịch cơ thể bị quá tải và phản ứng liên tục. Một lời giải thích là các triệu chứng do virus gây ra. Dù là lý do nào đi nữa, bà Turner-Stokes nói rằng có “sự hồi quy triệu chứng” khi nhiễm Covid-19.
Các nhà nghiên cứu đang hợp tác xuyên biên giới. Họ kiểm tra dữ liệu mới nhất từ các nước châu Âu bùng phát dịch trước Anh như Italy, Tây Ban Nha cũng như Trung Quốc. Họ đang tìm cách xem bệnh nhân nặng và mạn tính cần hỗ trợ gì. Covid-19 thật sự đặt ra những thách thức tương tự HIV/AIDS ở thế hệ trước.