Giới khoa học Mỹ vừa phát hiện ra một khả năng đáng ngạc nhiên của loài bồ câu. Chúng có thể tìm ra và nhận diện tế bào ung thư ác tính từ các mẫu sinh thiết hoặc ảnh chụp X-quang tuyến vú.
Các nhà nghiên cứu đã xác nhận khả năng chẩn đoán ung thư vú của bồ câu đáng tin cậy không kém gì bác sỹ.
Nhiều chuyên gia y tế sau hàng năm trời học tập, nghiên cứu nhiều khi vẫn gặp khó khăn trong quá trình phân tích dữ liệu để đưa ra kết luận chính xác về khả năng mắc ung thư ở người bệnh. Tuy nhiên chỉ trong vòng 2 tuần được đào tạo, các chú chim bồ câu đã có thể chẩn đoán đúng đến 85% trường hợp bệnh nhân.
Một chú chim bồ câu đang được huấn luyện để nghiên cứu ảnh chụp mô ung thư.
Các nhà khoa học đã thí nghiệm 8 con bồ câu. Mỗi khi mổ chuẩn xác một nút xanh cho tế bào ung thư giai đoạn đầu và một nút vàng cho tế bào ác tính, chúng sẽ được thưởng thức ăn.
Theo nguồn tin từ trường đại học California, Davis (Mỹ), chim bồ câu cực kỳ thông thạo trong việc phân biệt tiêu bản tế bào ung thư mới bắt đầu với tế bào ung thư ác tính dưới kính hiển vi ở mọi mức độ phóng đại. Tần suất phát hiện bệnh chính xác tăng từ 50% ở ngày đầu tiên của quá trình huấn luyện lên đến 85% từ ngày thứ 13 đến 15.
Loài chim này còn sành sỏi không kém gì bác sỹ X-quang trong việc phát hiện các điểm hóa vôi kích thước siêu nhỏ trên ảnh chụp X-quang vốn là dấu hiệu tiềm năng của ung thư giai đoạn đầu.
Chim bồ câu có não không lớn hơn đầu ngón trỏ nhưng lại có hệ thống thần kinh tương tự con người. Trước đó, đã có những thí nghiệm chứng minh chúng có thể phân biệt các chữ cái, thậm chí cả các tác phẩm của những họa sỹ khác nhau.
Giáo sư Levenson, Đại học California at Davis cho rằng con người nên tận dụng năng lực của bồ câu để phát triển những kỹ thuật chuẩn đoán hiện đại.