Các nhà nghiên cứu học tiếng của... cá voi và cá nhà táng

  •  
  • 74

Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã có một “cuộc trò chuyện” với một con cá voi. Bây giờ, mục tiêu của họ là cố gắng tìm hiểu nó thực sự đang nói gì.

Một tiếng gầm gừ phát ra từ loa dưới nước của tàu nghiên cứu ngoài khơi tuyến nước Frederick Sound, bang Alaska (Mỹ). Một con cá voi lưng gù tách ra khỏi đàn của nó và tiến lại gần. Nó nổi lên rồi lại lặn xuống và vọng lại tiếng gọi.

Cá nhà táng
Một con cá nhà táng.

Vào năm 2021, ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam Alaska, nhóm 6 nhà khoa học đã phát đoạn ghi âm tiếng chào của cá voi lưng gù bằng loa dưới nước. Họ vô cùng sửng sốt khi một con cá voi lưng gù, được đặt tên là Twain, đã đáp lại. Sau khi “trò chuyện” với con cá voi, các nhà nghiên cứu cho biết cuộc gặp gỡ này có thể là bước ngoặt đầu tiên trong việc giao tiếp với động vật thông minh không phải con người. “Nó giống như một trải nghiệm từ thế giới khác. Bạn nghe thấy chúng ngoi lên mặt nước. Sau đó, có một tiếng thở lớn, rồi bạn có thể nhìn thấy chúng tập hợp lại thành một nhóm. Đó là một cảnh tượng không thể tin được”, cô Josie Hubbard, một nhà nghiên cứu hành vi động vật cho biết.

Cá voi lưng gù và con của nó
Một con cá voi lưng gù và con của nó.

Cô Hubbard ở trên con tàu nghiên cứu, khi chạm trán với cá voi lưng gù lần đầu tiên. Bên dưới boong, nhà âm học Brenda McCowan đang phát một tiếng gọi được ghi âm của một con cá voi qua một chiếc loa dưới nước. Twain đã “hồi đáp”, tham gia vào một “cuộc trò chuyện” kéo dài đến 20 phút.

Nhịp nhàng và không ngừng phát triển, những bài hát đầy ám ảnh của cá voi có thể vang vọng khắp đại dương. Chúng trò chuyện bằng tiếng huýt sáo và nhịp đập, hoặc sử dụng khả năng định vị bằng tiếng vang để vẽ nên những bức tranh về thế giới dưới nước. Cá voi đã mê hoặc con người trong nhiều thế kỷ và chúng có một danh sách dài các hành vi giống chúng ta.

Chúng hợp tác với nhau cũng như với các loài khác. Chúng dạy nhau những kỹ năng hữu ích, chăm sóc con nhỏ và biết chơi đùa. Tuy nhiên, không giống như con người, giác quan chủ đạo của cá voi không phải là thị giác mà là thính giác. Trong khi ánh sáng sẽ biến mất khoảng 200m dưới bề mặt đại dương, âm thanh có thể di chuyển xa hơn và nhanh hơn trong nước so với trong không khí.

Các nhà khoa học đặt micrô dưới đại dương để ghi âm tiếng kêu của cá nhà táng.
Các nhà khoa học đặt micrô dưới đại dương để ghi âm tiếng kêu của cá nhà táng.

Động vật giáp xác đã tiến hóa hơn 50 triệu năm để tạo ra và nghe được nhiều loại âm thanh phức tạp. Đó là cách chúng liên lạc, định hướng, tìm bạn tình và thức ăn, bảo vệ lãnh thổ và tài nguyên của mình cũng như tránh những kẻ săn mồi. Con nhỏ của chúng cũng bập bẹ giống như trẻ sơ sinh, một số con dường như có tên và các đàn từ các vùng khác nhau của đại dương hình thành cả phương ngữ. Các nhà khoa học đã nghe thấy cá voi bắt chước phương ngữ của các nhóm khác và một số con thậm chí còn được tin là đã thử nói ngôn ngữ của con người.

Bài hát của cá voi lưng gù được cho là một trong những âm thanh phức tạp nhất trong vương quốc động vật. Bản ghi âm đầu tiên bài hát của cá voi lưng gù được thực hiện vào năm 1952 bởi kỹ sư Hải quân Mỹ Frank Watlington. Gần 20 năm sau, nhà sinh vật học biển Roger Payne nhận thấy những tiếng kêu này được có xu hướng lặp đi lặp lại. Điều này đã thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về cách phát âm của cá voi và từ đó dẫn đến nhiều thập kỷ nghiên cứu.

Ngày hôm nay, nhóm nghiên cứu SETI hy vọng việc giải mã thông tin liên lạc của cá voi có thể giúp chúng ta hiểu về người ngoài hành tinh, trong trường hợp chúng ta gặp phải. Nhóm đưa ra giả thuyết rằng âm thanh của cá voi chứa đựng những thông điệp phức tạp, thông minh giống như ngôn ngữ của con người, hoặc có thể giống của người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, bà McCowan cho biết, sự hiểu biết của chúng ta về cách giao tiếp với cá voi vẫn còn rất sơ khai. “Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu. Một thách thức lớn đối với chúng tôi là phân loại các tín hiệu của cá voi và tìm ra ngữ cảnh của chúng, từ đó chúng tôi có thể xác định được ý nghĩa. Tôi nghĩ AI sẽ giúp chúng tôi làm điều đó”, bà nói.

Cách Alaska hơn 8.000 km, một nhóm các chuyên gia xử lý ngôn ngữ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, nhà mật mã, nhà ngôn ngữ học, nhà sinh học biển, chuyên gia robot và nhà âm học dưới nước cũng đang hy vọng AI có thể giải mã cuộc trò chuyện của cá nhà táng.

Ra mắt vào năm 2020, CETI (Dự án Dịch thuật Giáp xác), do nhà sinh vật biển David Gruber dẫn đầu, đã liên tục ghi hình một nhóm cá voi ngoài khơi bờ biển Dominica, một hòn đảo ở Caribe, sử dụng micrô gắn trên phao, cá robot và thẻ gắn trên lưng cá voi.

“Ngoại trừ những tương tác rất ngắn ngủi trên mặt nước, thật khó để chúng ta nhìn vào thế giới của chúng. Đây là một sinh vật độc đáo, hiền lành và thông minh. Mỗi lần nhìn lại, chúng tôi lại tìm thấy thêm sự phức tạp và cấu trúc sâu sắc trong cách giao tiếp của chúng”, ông Gruber nói. Ông tin rằng với mức tiến bộ công nghệ hiện giờ, chúng ta có khả năng giải mã thông tin liên lạc của cá voi.

Dữ liệu thu thập được đã được xử lý bằng thuật toán học máy để phát hiện và phân loại các tiếng gọi và kết quả sẽ được công bố trong năm nay. Ông Gruber cho biết mục đích hiện giờ là có thể tái tạo lại “một cuộc trò chuyện nhiều bên”. Nói cách khác là tạo ra một cuộc đối thoại bằng cách sử dụng chính tiếng kêu của cá nhà táng. Nhưng ngay cả khi chúng ta có thể nói chuyện với cá voi, liệu chúng ta có nên không? Chẳng hạn, khả năng gọi cá voi có thể được sử dụng để săn chúng.

Các công nghệ mới đã hỗ trợ thợ săn trước đây. Sóng siêu âm đã được sử dụng để xác định vị trí và dụ cá voi lên mặt nước, nơi chúng có thể dễ dàng bị bắn hơn. Đây là mặt trái đen tối.

Cập nhật: 16/04/2024 Tiền Phong
  • 74