Nếu tiếp tục bị tàn phá cực đoan, hệ thống địa chất và khí hậu của Trái đất sẽ trở nên hỗn loạn và không thể trở lại ổn định, các nhà khoa học cảnh báo.
Nhiều năm nay, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra trên Trái đất thường xuyên hơn. Cháy rừng dữ dội, bão hoành hành, nhiệt độ đạt kỷ lục mới.
Sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên đang gây những hậu quả cho Trái đất - (Ảnh: của T.J WYATT).
Các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo đây là hậu quả từ hoạt động của con người, chẳng hạn như đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và gia tăng sản xuất nông nghiệp.
Theo các nhà khoa học, nếu Trái đất tiếp tục bị tàn phá cực đoan hơn nữa, hệ thống địa chất và khí hậu của Trái đất sẽ trở nên hỗn loạn và không thể trở lại tình trạng ổn định.
Nhóm nhà khoa học quốc tế - do nhà vật lý Alex Bernadini của Đại học Porto (Bồ Đào Nha) đứng đầu - đề xuất các cơ quan khoa học toàn cầu nên nhìn nhận về một kỷ nguyên địa chất mới đang đến: Anthropocene.
Đây là thời kỳ mà hoạt động của con người tạo ra tác động đáng kể và rõ rệt lên toàn bộ hệ thống Trái đất, bao gồm địa quyển, sinh quyển, thủy quyển và khí quyển.
Theo sau kỷ nguyên Holocene (bắt đầu từ khoảng 11.700 năm trước), kỷ nguyên Anthropocene được các nhà khoa học cho rằng bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ 20 - đỉnh cao của kỷ nguyên hạt nhân.
Ông Bernadini và các đồng nghiệp đã quyết định lập mô hình quá trình chuyển đổi từ Holocene sang Anthropocene như một quá trình chuyển pha và tính toán quỹ đạo tương lai của nó cho phù hợp. Đó là quá trình chuyển đổi của địa chất từ trạng thái này sang trạng thái khác ở điểm tới hạn.
Thế giới của chúng ta có một không gian hữu hạn để cư trú, một lượng tài nguyên hữu hạn và tốc độ phát triển hữu hạn.
Các nhà nghiên cứu đã quyết định biểu thị các kết quả có thể xảy ra của quá trình chuyển đổi giai đoạn Anthropocene bằng bản đồ hậu cần. Đây là một công cụ để khám phá cách địa chất và khí hậu phát triển từ một điểm đơn giản đến các hoạt động phức tạp và thậm chí hỗn loạn, để tìm hướng khắc phục.