Cách thằn lằn nước thích nghi để sống sót trước kẻ săn mồi

  •  
  • 378

Cơ chế hô hấp kỳ lạ của loài thằn lằn này thực ra là cách để chúng sống sót trước những kẻ săn mồi khát máu.

Cơ chế hô hấp kỳ lạ từ bong bóng trên mũi của thằn lằn nước (tên khoa học: Anolis aquaticus) đón nhận nhiều sự quan tâm từ cộng đồng khoa học.

Bong bóng này hoạt động như bình oxy mini, giúp chúng lặn dưới nước trong thời gian rất lâu, lên tới hàng chục phút.

Thằn lằn nước
Bong bóng ở mũi thằn lằn nước giúp chúng sống sót trước kẻ săn mồi bằng cách trốn dưới nước (Ảnh: Getty).

Nghiên cứu mới từ Đại học Binghamton (Mỹ) cho biết, việc thích nghi với cơ chế hô hấp kỳ lạ này thực ra là cách thằn lằn nước sống sót trước những kẻ săn mồi khát máu.

Để đánh giá tác động của bong bóng khí, các nhà nghiên cứu đã thu thập 30 con thằn lằn nước, rồi tiến hành quan sát kỹ lưỡng tập tính của chúng.

Họ phát hiện rằng da thằn lằn rất kỵ nước. Điều này cho phép không khí bám rất chặt vào da của chúng, và rồi bong bóng nước cũng từ đó mà hình thành.

Tuy nhiên khi được bôi chất làm mềm da, không khí không còn bám vào bề mặt da của thằn lằn nữa, và các bong bóng cũng không còn cơ hội hình thành.

Để có thể tiếp tục ở dưới nước lâu hơn, những con thằn lằn này buộc phải tạo ra một bong bóng khác. Tuy nhiên, thời gian lặn dưới nước của chúng bị giảm đi đáng kể.

Điều này cho thấy bề mặt da của thằn lằn có ảnh hưởng trực tiếp tới chu kỳ hít lại hơi, thời gian lặn của thằn lằn. Làn da khô của chúng được xem là phương thức tiến hóa qua hàng thế kỷ, mang lại cơ hội sống sót trước các loài săn mồi trong tự nhiên.

"Bằng cách nhảy xuống nước, chúng có thể thoát khỏi nhiều kẻ săn mồi. Ngay cả khi không có bong bóng, chúng vẫn rất bình tĩnh dưới nước", Lindsey Swierk, nhà sinh thái học, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

"Thằn lằn giống như những miếng gà rán trong rừng. Chim ăn chúng, rắn ăn chúng".

Nhờ mối nguy hiểm thường trực, loài thằn lằn này đã phát triển cơ chế ngụy trang khá tốt dưới nước, và chúng thường chỉ ở dưới nước cho đến khi mối nguy hiểm qua đi.

Các nghiên cứu trước đó xác nhận thằn lằn nước là loài động vật có xương sống đầu tiên trên thế giới có thể sử dụng cơ chế hô hấp đặc biệt này. Một số cá thể thậm chí có thể "ngụp lặn" dưới nước trong ít nhất 20 phút.

Cập nhật: 20/09/2024 Dân Trí
  • 378