Chế độ ăn uống kì diệu: Bỏ đói khối u ung thư như binh pháp

  •  
  • 8.828

Trong binh pháp cổ, "vây thành đoạn lương" là một kế sách rất hiệu quả. Thay vì việc mạo hiểm tấn công trực tiếp, tòa thành bị vây hãm, cắt đứt nguồn cung thực phẩm thì sớm muộn cũng thất thủ. Lấy cảm hứng từ ý tưởng này, nhiều bác sĩ ngày nay cũng đang mơ ước có thể "vây thành đoạn lương" với những khối u ung thư.

Về bản chất, khối u ung thư là những mô ác tính phát triển bất thường. Quá trình tăng trưởng nhanh chóng của các tế bào này đòi hỏi nguồn cung thức ăn nhiều hơn so với tế bào khỏe mạnh. Vì vậy, cắt nguồn cung dưỡng chất có vẻ như là cách tuyệt vời để giết chết chúng.

Tuy nhiên, trong khi rất logic trên lý thuyết, phương pháp này gặp phải nhiều thách thức khi muốn áp dụng vào thực tế. Bỏ đói khối u, đồng nghĩa với việc bỏ đói chính bệnh nhân.

Làm thế nào để chỉ bỏ đói khối u mà không bỏ đói người bệnh?
Làm thế nào để chỉ bỏ đói khối u mà không bỏ đói người bệnh?

Tai hại hơn cả, bỏ đói khối u cũng phá hủy những tế bào lympho xâm nhập (TIL). Đúng như cái tên, TIL là những tế bào bạch cầu "gián điệp" mà hệ miễn dịch gửi vào trong khối u. Chúng góp phần vào nhiệm vụ giết chết khối u ung thư từ bên trong.

Sự hiện diện của TIL trong các khối u thường đi đôi với việc điều trị hiệu quả hơn. Nó là một trong những vũ khí chủ yếu mà hệ miễn dịch sử dụng để chống lại ung thư. Vậy làm thế nào để "vây thành đoạn lương" mà không rơi vào tình trạng "quân ta hại quân ta"? Giáo sư Valter Longo đến từ Đại học Nam California, Hoa Kỳ tin rằng ông đang nắm trong tay câu trả lời chính xác.

Mới đây, ông cùng các đồng nghiệp công bố một bài báo khoa học trên tạp chí Cancer Cell. Trong đó, họ đưa ra một chế độ ăn uống có thể làm suy yếu các khối u ung thư. Đồng thời, nó vẫn "lén lút" cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho các mô khỏe mạnh. Trong số các mô này bao gồm cả những "gián điệp" TIL, sống trong lòng địch.

Giáo sư Longo lần đầu tiên sử dụng phương pháp bỏ đói khối u vào năm 2012.
Giáo sư Longo lần đầu tiên sử dụng phương pháp bỏ đói khối u vào năm 2012.

Giáo sư Longo lần đầu tiên sử dụng phương pháp "vây thành đoạn lương" với những khối u ung thư vào năm 2012. Khi đó, ông làm thí nghiệm trên chuột. Longo chọn ra hai nhóm chuột ung thư và điều trị chúng song song, giống hệt nhau với thuốc doxorubicin. Chỉ có một điều khác biệt: một nhóm chuột bị bỏ đói còn nhóm còn lại thì không.

Kết quả ông nhận được khá bất ngờ. Nhóm chuột bị bỏ đói đã thu nhỏ được kích thước khối u tới 4 đến 5 lần. Trong khi đó, nhóm chuột nhận điều trị thông thường với doxorubicin chỉ thu nhỏ được một nửa khối u.

Có vẻ rất khả quan, nhưng Giáo sư Longo nói rằng ông không sẵn sàng để làm điều tương tự trên bệnh nhân ung thư. Thí nghiệm này được các nhà khoa học đánh giá là quá mạo hiểm. Bởi vậy, trong suốt 4 năm nghiên cứu sau này, Giáo sư Longo đã phải tìm cách làm sao để không bỏ đói bệnh nhân mà vẫn có được những lợi ích điều trị.

Kết quả là một chế độ ăn uống giàu vitamin D, kẽm và các axit béo, những dưỡng chất thiết yếu cho tế bào TIL đã được thiết lập. Trong khi đó, cung cấp hàm lượng thấp protein và đường đơn được xem là chỉ bỏ đói những khối u. Vì đó là những nguồn cung thực phẩm cho ung thư.

Thử nghiệm trên chuột cho kết quả rất khả quan.
Thử nghiệm trên chuột cho kết quả rất khả quan.

Để kiểm tra tính hiệu quả của chế độ ăn uống này, Giáo sư Longo và các đồng nghiệp đã một lần nữa sử dụng thí nghiệm trên chuột. Họ sử dụng 30 con chuột chứa tế bào ung thư vú.

Trong hai ngày đầu tiên tất cả lũ chuột được ăn uống với một chế độ tiêu chuẩn gồm: 25% protein, 17% chất béo và 58% đường đơn cùng các loại carbohydrate phức từ rau quả. Chế độ ăn này chứa trung bình 3.75 Calo trên mỗi gam thực phẩm.

Sau đó đến giai đoạn hai, 30 con chuột được chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất 10 con giữ nguyên chế độ ăn tiêu chuẩn liên tục. Nhóm chuột thứ 2 gồm 9 con (1 con đã chết) cứ sau 10 ngày ăn tiêu chuẩn sẽ bị bỏ đói 60 giờ. Đây là khoảng thời gian được tính toán tối đa để giữ mạng sống cho chúng.

Nhóm chuột cuối cùng gồm 10 con được tách riêng để ăn một chế độ chỉ còn 1.88 Calo mỗi gam trong một ngày. Sau đó, chúng được chuyển vào một chế độ ăn gần như nhịn đói.

Thành phần dinh dưỡng được duy trì ở tỷ lệ: 0.5% protein, 0.5% chất béo và tới 99% carbohydrate phức, những thứ gần như là vô nghĩa với khối u ung thư. Những con chuột duy trì chế độ ăn khiêm tốn trong 3 ngày, trước khi chúng được ăn chế độ tiêu chuẩn trở lại suốt 10 ngày rồi lặp lại quy trình một lần nữa.

Kết quả chỉ ra rằng những con chuột ở nhóm 2 và 3 chỉ phát triển khối u ung thư bằng 2 phần 5 so với nhóm 1. Điều này chứng tỏ một chế độ ăn được tinh chỉnh có thể giúp kìm hãm sự phát triển của ung thư.

Để kiểm tra thêm hiệu quả điều trị, Giáo sư Longo đã tiêm doxorubicin cho tất cả những con chuột trong khi lặp lại các chế độ ăn một lần nữa. Lúc này, nhóm chuột thứ 3, những con trải qua chế độ ăn kiêng tinh chỉnh đã giảm kích thước khối u tới 4 lần. Kết quả gần như giống với báo cáo Longo thực hiện năm 2012.

Chế độ ăn của Longo giúp tế bào TIL tích lũy bên trong khối u ung thư.
Chế độ ăn của Longo giúp tế bào TIL tích lũy bên trong khối u ung thư.

Vậy điều gì thực sự đã diễn ra? Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu mô ung thư vú từ những con chuột để quan sát quá trình trên cấp độ tế bào. Họ phát hiện ra rằng những con chuột ăn chế độ tiêu chuẩn chứa một lượng tế bào TIL nhất định bên trong các khối u.

Tuy nhiên, nếu chúng được điều trị với thuốc doxorubicin, lượng tế bào TIL có thể tăng lên đến 70%. Nếu không điều trị mà chỉ cần ăn chế độ ăn điều chỉnh như nhóm 3, lượng tế bào TIL tăng lên 80%. Hiệu quả nhất là khi kết hợp cả điều trị lẫn chế độ ăn uống, lượng tế bào TIL tăng tới mức đáng ngạc nhiên: 240%.

Những thí nghiệm sau đó đã được thiết lập để tiếp tục đào sâu hơn nữa vấn đề. Các nhà khoa học phát hiện ra một loại enzyme có tên haeme oxygenase-1, làm nhiệm vụ đáp ứng miễn dịch, lại chính là những kẻ "mưu phản". Chúng đang bảo vệ các khối u bằng cách che mắt tế bào TIL.

Chế độ ăn kiêng đặc biệt của Giáo sư Longo ngăn chặn sự sản xuất haeme oxygenase-1. Vì thế mà TIL đã hoạt động hiệu quả hơn và xâm nhập được nhiều hơn vào các khối u. Thêm vào nữa, thuốc doxorubicin sẽ khiến thành trì của khối u phải đối mặt với hai hướng tấn công. Điều đó chẳng khác gì "nội ứng ngoại hợp".

Bây giờ, Giáo sư Longo cho biết nhóm của ông sẽ tiếp tục chứng minh phương pháp này làm việc với các khối u ung thư da. Đồng thời, ông cũng đang hợp tác với các bệnh viện để nghiên cứu chế độ ăn của bệnh nhân ung thư sẽ ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả điều trị.

Mặc dù nhiều chuyên gia ung thư chưa ủng hộ hoàn toàn chế độ ăn của Longo, họ đã cho phép bệnh nhân thực hiện biện pháp này. Giáo sư Longo cho biết hiện nay có hàng ngàn người trên khắp thế giới đang áp dụng chế độ ăn ở mức tối thiểu này. Nhiều người trong số họ đã gặt hái được những lợi ích đáng kể.

Cập nhật: 14/08/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 8.828