Chỉ còn 2 tê giác trắng phương Bắc, cứu chúng bằng cách nào?

  •  
  • 505

Cả thế giới chỉ còn lại hai con tê giác trắng phương Bắc, và các nhà khoa học đang nỗ lực cứu loài này khỏi tuyệt chủng.

Theo tạp chí New Scientist, phần lớn hy vọng về tương lai của loài tê giác trắng phương Bắc (Ceratherium simum cottoni) đang được đặt vào những thành viên cuối cùng còn sống sót: Fatu và Najin, một cặp mẹ con tê giác bị vô sinh. Nhưng vì cả hai đều không thể mang thai nên các chuyên gia đang chuyển sang đổi mới về di truyền và sinh sản.

 Hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sống trên Trái đất
Hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng còn sống trên Trái đất đang được bảo vệ tại một khu bảo tồn ở Kenya - (Ảnh: Ol Pejeta/DPA/TNS/Alamy Live News).

Các nhà nghiên cứu tại Liên minh Động vật hoang dã Vườn thú San Diego ở California đã xem xét tế bào da lấy từ 12 con tê giác trắng phương Bắc khác nhau được lưu trữ trong Vườn thú đông lạnh (Frozen Zoo), một kho lưu trữ vật liệu di truyền từ hơn một nghìn loài khác nhau.

Họ đã sử dụng mô hình máy tính để xem sẽ như thế nào nếu vật liệu di truyền của những con tê giác này được dùng để tạo ra tế bào tinh trùng và trứng, sau đó chuyển thành phôi và cho loài tê giác trắng phương Nam có quan hệ gần gũi (Ceratherium simum simum) "mang thai hộ".

Nhóm phát hiện ra rằng, có thể khôi phục quần thể tê giác trắng phương Bắc qua nhiều thế hệ mà không cần Fatu và Najin.

"Cái hay của việc có nguồn gene nhất quán này trong Vườn thú đông lạnh là chúng tôi có thể liên tục tạo được các cá thể mới ra ngoài và đưa chúng trở lại quần thể", nhà nghiên cứu Aryn Wilder tại Liên minh Động vật hoang dã Vườn thú San Diego cho biết.

Mô hình của họ tiết lộ rằng sau 10 thế hệ, những con tê giác trắng phương Bắc trong các mô phỏng này không phải là loài cận huyết. Thay vào đó, chúng là một nhóm khỏe mạnh, đa dạng về mặt di truyền. Đó là tin tốt cho tương lai của phân loài vì động vật cận huyết có xu hướng dễ mắc bệnh hơn và ít có khả năng sống sót hơn.

Wilder sau đó so sánh gene của những con tê giác mô phỏng với gene của loài tê giác trắng phương Nam, vốn đã phục hồi từ khoảng 100 con vào đầu những năm 1900 lên 20.000 con ngày nay.

"So với tê giác trắng phương Nam, bộ gene của tê giác trắng phương Bắc thực sự có sự đa dạng di truyền cao hơn", cô nói.

Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức. Các nhà nghiên cứu vẫn cần phải kích thích hóa học các dòng tế bào da đông lạnh này thành tế bào gốc trứng và tinh trùng có khả năng sống sót.

Ngoài ra, cũng không có gì đảm bảo rằng những con tê giác trắng phương Nam có thể mang phôi của tê giác trắng phương Bắc thành công.

Có một cách khác để phục hồi tê giác trắng là nhân bản: Các dòng tế bào được lưu trữ có thể được sử dụng để tạo ra bản sao di truyền của động vật đã chết.

Cập nhật: 12/04/2024 Tuổi Trẻ
  • 505