Loài tê giác chết bất thường ở Nghệ An quý hiếm như thế nào?

  •  
  • 297

Tê giác trắng phương nam từng được xem là một trong những loài nguy cấp nhất thế giới.

Tại Việt Nam, tê giác từ lâu đã không còn trong môi trường tự nhiên. Hiện tại một số khu sinh thái, tê giác được nuôi để phục vụ khách tham quan.

Tê giác 2 sừng bị chết quý hiếm thế nào?

Tê giác được nuôi ở khu sinh thái ở Diễn Lâm, huyện Diễn Châu
Tê giác được nuôi ở khu sinh thái ở Diễn Lâm, huyện Diễn Châu. (Ảnh: M.T).

Lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm Nghệ An cho hay, những con tê giác chết trong Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm là tê giác hai sừng, được nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam, mỗi con nặng trên một tấn.

Chúng còn có tên gọi là tê giác trắng phương nam (pháp danh: Ceratotherium simum), là phân loài phổ biến nhất của các loài tê giác còn sống sót tới hiện nay. Loài này đôi khi được gọi là tê giác môi vuông do phần môi lồi ra của chúng để hỗ trợ việc gặm các loại cỏ ngắn ở các vùng xavan.

Tính đến nay, tê giác trắng phương nam vẫn được coi là một trong những động vật trên cạn lớn nhất và nặng nhất trên thế giới. Theo số liệu từ Wikipedia, tê giác cái nặng trung bình 1.700kg, còn con đực nặng tới 2.300kg. Chiều dài đầu và thân thể của chúng có thể lên tới 4 mét.

Thức ăn của tê giác chủ yếu gồm lá, củ, rễ cây rừng. Chúng thích sống đơn lẻ tại những cánh rừng già trong thung lũng ẩm ướt, hay các vũng sình lầy.

 Một con tê giác trắng trong tự nhiên.
Một con tê giác trắng trong tự nhiên. (Ảnh: Crushpixel).

Trên mõm của tê giác là 2 chiếc sừng. Trong đó, sừng phía trước lớn hơn, dài trung bình 60 cm, và có thể đạt tới 150 cm. Con cái thường có sừng dài hơn, nhưng mỏng hơn so với sừng của con đực.

Trong tự nhiên, loài này hầu như không có kẻ thù. Song chúng vẫn liên tục bị đe dọa do nạn săn bắn trái phép. Mục tiêu của những tên săn trộm hướng đến chính là chiếc sừng của tê giác.

Giá trị thật của sừng tê giác

Theo báo Le Parisien, giá sừng tê giác hiện nay còn cao hơn giá ma túy và giá vàng. Theo thị trường hiện nay, giá 1kg sừng tê dao động trong khoảng 50.000 - 100.000 euro tùy theo nhu cầu người mua.

Có giá trị này là bởi sừng tê giác được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và được đồn đại như một "loại thuốc chữa được bách bệnh". Tuy nhiên trên thực tế, chưa hề có công trình khoa học nào xác định tính chính xác của tác dụng này.

Theo phân tích, sừng tê giác cũng chỉ có cấu tạo từ keratin, một chất protein được tìm thấy trong tóc, móng tay và móng guốc động vật và hoàn toàn không có gì đặc biệt.

Do vậy, giá trị của sừng tê giác bấy lâu nay có thể chỉ là do thêu dệt, và hoàn toàn không có giá trị quy đổi.

Nỗ lực "hồi sinh" tê giác trắng

Tê giác trắng được bảo vệ nghiêm ngặt tại các khu bảo tồn ở Châu Phi.
Tê giác trắng được bảo vệ nghiêm ngặt tại các khu bảo tồn ở Châu Phi. (Ảnh: Getty).

Tê giác trắng phương nam từng được xem là một trong những loài nguy cấp nhất thế giới. Loài này đã cận kề bờ vực tuyệt chủng với chỉ ít hơn 20 cá thể duy nhất còn lại trong một khu bảo tồn ở Nam Phi vào khoảng đầu thế kỷ 20, cuối thế kỷ 19.

"Có một khoảng thời gian, tất cả mọi người đều nghĩ rằng tê giác không thể sống sót vì nạn săn bắt trộm", Tumelo Matjekane, quản lý một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ thiết lập các khu bảo tồn ở Nam châu Phi cho biết.

Thế nhưng, thông qua nhiều nỗ lực bảo tồn cực kỳ mạnh mẽ, các quần thể nhỏ tê giác trắng đã dần dần hồi phục. Tiêu biểu nhất phải kể tới công viên Hluhluwe Imfolozi (HiP), KwaZulu-Nata, Nam Phi - đơn vị đi đầu trong việc chống lại các băng nhóm tội phạm để bảo tồn tê giác.

Để làm được điều này, HiP đã dần thay đổi để trở thành "Công viên Thông minh" đầu tiên ở châu Phi tích hợp công nghệ giám sát, bao gồm hàng rào thông minh, được lắp đặt để phòng vệ cùng với bẫy camera.

Công nghệ tiên tiến đó đã ngốn hàng nghìn USD được tài trợ cho chương trình bảo vệ tê giác, tuy nhiên thành quả của nó khiến các nhà lãnh đạo rất hài lòng.

Vào năm 1980, số lượng tê giác trắng ghi nhận tăng mạnh lên đến 840 cá thể. Đến năm 2011, số lượng cá thể loài này tiếp tục tăng lên đến hơn 17.000, phân bổ chủ yếu ở HiP.

Đến nay, theo Save the Rhino - một tổ chức bảo vệ tê giác - số lượng tê giác trắng phương nam sau một thời gian trên bờ tuyệt chủng đã hồi phục trở lại với số lượng hơn 20.000 con trên toàn thế giới.

Cập nhật: 22/09/2022 Dân Trí
  • 297