Cua tuyết Alaska đang biến mất bí ẩn

  •  
  • 644

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của cua tuyết - nguồn thu nhập trụ cột của các đội thuyền đánh bắt cua Alaska ở Mỹ.

Cua tuyết Alaska đang biến mất. Có rất nhiều giả thuyết xoay quanh sự bí ẩn này.

Một số người cho rằng chúng đã di chuyển vào vùng biển của Nga. Số khác lại nói chúng chết vì những kẻ săn mồi hoặc tự ăn thịt lẫn nhau. Những con cua cũng có thể đã trốn ngoài thềm lục địa, nơi các nhà khoa học không nhìn thấy chúng.

Thậm chí, nhiều người còn đặt ra giả thuyết rằng chúng đã bị bắt cóc bởi người ngoài hành tinh, theo Washington Post.

Thế nhưng sau tất cả, mọi người đều đồng ý rằng sự biến mất của cua tuyết Alaska có lẽ liên quan đến biến đổi khí hậu. Các nhà sinh vật học biển và những người trong ngành thủy hải sản lo ngại vụ biến mất bất ngờ của mặt hàng hải sản xa xỉ này là một điềm báo.

Nó giống như hồi chuông cảnh báo về khả năng nghề đánh bắt có thể nhanh chóng bị xóa sổ trong thế giới mới đầy biến động.


Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của cua tuyết. (Ảnh: Gabriel Prout).

Các đội thuyền đánh bắt cua tuyết Alaska lao đao

Vào năm 2018 và 2019, các nhà khoa học đã thông báo tin tức tuyệt vời mới về loài cua tuyết: Số lượng cua con đang tăng trưởng quanh đáy đại dương, cho thấy một nguồn tiềm năng ở các mùa đánh bắt tiếp theo.

Tin vào điều này, Gabriel Prout (32 tuổi), cùng các anh trai Sterling và Ashlan, đã vay và tiêu 4 triệu USD để có quyền khai thác một số lượng cua lớn. Đó cũng là thời điểm mà nhiều người ở biển Bering đã tranh nhau lao vào nghề đánh bắt, từ thuỷ thủ có nhiệm vụ buộc dây tàu cho đến chủ sở hữu.

Mọi người đều tin rằng mùa cua tuyết năm 2021 sẽ thắng lớn.

Thế nhưng, bất chấp những dấu hiệu lạc quan trước đó, các nhà khoa học lại dần nhận thấy rằng trữ lượng cua tuyết giảm 90%.

Trong bối cảnh đó, hạn ngạch đánh bắt cua tuyết, nguồn thu nhập trụ cột của các đội thuyền đánh bắt cua Alaska, đã giảm từ hơn 20,4 triệu kg xuống còn hơn 2,5 triệu kg. Thế nhưng kể cả vậy, sản lượng tàu thương mại thu hoạch được cũng không đạt đến nổi số lượng đó.

Trong khi đó, vào tháng 10/2021, sở quản lý nguồn lợi thủy sản Alaska đã hủy bỏ hoàn toàn vụ thu hoạch cua hoàng đế, lần đầu tiên kể từ những năm 1990.

“Đó là một cuộc chiến”, Prout nói. “Chúng tôi đang kéo lên những chiếc lồng gần như trống không. Chúng tôi đã tìm kiếm vài dặm đáy đại dương nhưng thậm chí không thể kéo lên nổi 100 con cua. Chúng tôi đang làm việc vất vả nhưng hầu như không đánh bắt được gì”.

Đối với các chủ nhà hàng đang tìm kiếm nguồn hàng mới để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Alaska, còn có một vấn đề đau đầu nữa. Chính phủ Mỹ vào tháng 3 đã cấm nhập khẩu cá và các sản phẩm thủy sản của Nga, cùng với những mặt hàng tiêu dùng khác như vodka và kim cương, trong lệnh trừng phạt mở rộng.

Tại Klaw, một nhà hàng mới nổi ở Miami, đối tác quản lý George Atterbury đã làm việc với Troika Seafood, một nhà bán buôn hải sản của Na Uy, để mang về cua hoàng đế đỏ tươi sống từ tận Finnmark, quận cực bắc của Na Uy.

“Chúng tôi nuôi cua hoàng đế tại một cơ sở riêng biệt với các bể chứa lớn trong nhà hàng”, Atterbury cho biết. “Chi phí vì thế biến động mạnh, nhưng chúng tôi chỉ có thể tăng giá một phần nhỏ đối với khách hàng”.

Đội thuyền đánh bắt cua Alaska
Cua tuyết, nguồn thu nhập trụ cột của các đội thuyền đánh bắt cua Alaska, bị giới hạn còn khoảng 2,5 triệu kg trong mùa đánh bắt 2021. (Ảnh: Gabriel Prout).

Bên cạnh sự sụp đổ của hai trong ba nguồn dự trữ cua lớn ở Alaska, việc đánh bắt cua bairdi, còn được gọi là cua da, vẫn hoạt động tốt nhưng ngành này cũng ngày càng bị thu hẹp. Điều này gây ra những thách thức lớn hơn nhiều so với sự bất tiện về mặt ẩm thực mà 1% dân số (những người giàu có nhất) phải đối mặt khi vắng bóng cua hoàng đế trên bàn ăn.

Bởi đây là nguồn thu nhập chính của nhiều người trong số 65 cộng đồng trên bờ biển Bering thuộc Chương trình Hạn ngạch Phát triển Cộng đồng Tây Alaska. Chương trình này nhằm mục đích xây dựng nền kinh tế dựa vào nghề cá và xóa đói giảm nghèo bằng cách trao quyền cho người dân phía tây Alaska tham gia vào hoạt động đánh bắt hải sản ở biển Bering.

“Tôi làm việc ở quần đảo Pribilof cho một cộng đồng người Aleut gồm 450 người, nơi được đầu tư rất nhiều vào hạn ngạch cua và có thể đánh bắt số lượng lớn”, McCarty nói.

Trên đảo St. Paul, Trident Seafoods có một trong những nhà máy chế biến cua lớn nhất thế giới, thuê tới 400 công nhân trong mùa cua tuyết cao điểm như vào tháng 2. Thế nhưng, tháng 2 năm nay, mọi thứ lại đầy tĩnh lặng.

“Toàn bộ cộng đồng tại St. Paul hoạt động nhờ vào thuế thủy hải sản. Nó từng mang lại 85% doanh thu cho cộng đồng”, bà nói.

Sự kiện cực đoan chưa từng thấy ở biển Bering

Heather McCarty, một nhà tư vấn thủy sản ở Juneau, nhận định đó là một ví dụ về tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn tài nguyên dưới biển.

Nhưng điều gì đã xảy ra với những con cua tuyết đó?

Bob Foy, giám đốc khoa học và nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Thủy sản Alaska, cho biết họ không có đủ dữ liệu để nói cụ thể điều gì đã xảy ra.

“Những gì chúng tôi biết là chúng ta đã có một đợt nắng nóng khắc nghiệt vào năm 2019, và chúng tôi đã thấy rất nhiều đàn cá cùng cua di chuyển đến những khu vực chưa từng có trong lịch sử", ông nói.

Trước đó vào năm 2021, các nhà khoa học nghiên cứu loài cua tuyết cũng đã cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra sau kết quả khảo sát "thảm khốc" vào mùa hè, cho thấy tỷ lệ con cái chưa trưởng thành giảm hơn 99% so với ba năm trước đó. Số lượng cua đực và cua cái trưởng thành cũng giảm đáng kể.

Theo các nhà khoa học liên bang Mỹ và bang Alaska, khi đáy biển ấm lên, cua tuyết dường như đã di chuyển xa hơn nhiều về phía tây bắc và ở vùng nước sâu hơn so với những năm trước.

“Ngành ngư nghiệp vì vậy cũng đang dịch chuyển về phía tây bắc”, ông Bob Foy cho biết.

Nhưng sự suy giảm số lượng cua lớn không chỉ do việc chúng di cư ra khỏi khu vực. Cua là một loài sinh vật sống ở đáy, có nghĩa là chúng bò xung quanh dưới đáy đại dương và không có khả năng di cư nhanh như nhiều loài cá có vây.

“Sinh khối của cua ở đảo St. Lawrence không thay đổi nhiều. Điều đó cho thấy rằng đã có một sự kiện chết chóc hàng loạt, hoặc chúng di chuyển vào vùng nước ngoài cuộc khảo sát của chúng tôi hay vào thềm của Nga”, ông Foy nói, nhưng ông có vẻ hoài nghi về khả năng cuối.

“Chúng tôi tin rằng chúng ta đã có một sự kiện chết chóc hàng loạt. Điều này cho thấy một sự kiện cực đoan mà chúng tôi chưa từng thấy ở biển Bering”, ông nói thêm.

 Lồng cua kim loại chuẩn bị được thả xuống.
Lồng cua kim loại chuẩn bị được thả xuống. (Ảnh: Gabriel Prout).

Ông cho biết những con cua, có lẽ do độ nhạy cảm cao với hệ sinh thái, giống như loài “chim hoàng yến trong mỏ than” trước biến đổi khí hậu.

“Chim hoàng yến trong mỏ than” là thành ngữ nói về sự báo hiệu một mối nguy hiểm đang tới. Nó xuất phát từ câu chuyện thực tế về các thợ mỏ thường mang xuống mỏ than chim hoàng yến, loài chim rất nhạy cảm với khí methane hay CO có thể rò rỉ trong mỏ. Một khi xảy ra sự rò rỉ như vậy, chim hoàng yến thường chết trước bất kỳ loài nào khác, từ đó thợ mỏ được cảnh báo và rời khỏi mỏ ngay lập tức, theo New York Times.

Trong khi đó, Jamie Goen, giám đốc điều hành của Hiệp hội thương mại Alaska Bering Sea Crabbers, cho biết sự kiện cua biến mất sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến những người lao động và các doanh nghiệp gia đình nhỏ.

Đối với người đánh bắt, họ không có các loại trợ cấp giống như “bảo hiểm mùa màng” cho nông dân. Và mặc dù Bộ Thương mại Mỹ đang chuyển gần 132 triệu USD cho Alaska vì thảm họa thủy sản, sẽ mất nhiều năm tiền mới đến tay đối tượng bị ảnh hưởng, Goen nói.

“Đó là khoảng thời gian ảm đạm đối với ngành công nghiệp này. Rất nhiều người sẽ bán tàu hoặc bán hạn ngạch của họ để kiếm sống”, anh Gabriel Prout cho biết.

Cập nhật: 22/08/2022 Zing
  • 644