Điểm danh 10 loài cá có biệt tài săn mồi trên cạn trong thế giới tự nhiên

  •  
  • 2.494

Thay vì kiếm ăn và săn mồi như dưới nước giống bao loài cá khác, những con cá trong danh sách này lại chọn cách săn các loài động vật trên cạn. Đó là một tập tính rất thú vị của một số loài cá.

Các loài động vật trên cạn săn các loài động vật dưới nước không còn là điều quá xa lạ nhưng nếu các loài động vật dưới nước săn loài trên cạn thì đó quả thực là chuyện hiếm có và không phải loài sinh vật nào cũng có khả năng đó.

Đây là những loài cá rất đặc biệt nhờ có năng lực và chiến thuật đặc biệt giúp nó có thể bắt được các động vật trên cạn. Mục tiêu của chúng là những sinh vật bay trên mặt nước hoặc những loài vật đi lại gần mặt nước.

10. Cá nheo Châu Âu

Loài cá nheo Châu Âu ở sông Tarn ở Albi, Pháp đã tiến hóa để có thể bắt được chim bồ câu ở bên bờ sông. Các nhà nghiên cứu không chắc lý do tại sao loài cá da trơn này có thể làm được điều này vì chưa có trường hợp ghi nhận loài cá da trơn tại Châu Âu có thể làm được điều đó.

Cá nheo Châu Âu
Cá nheo châu Âu đã tiến hóa để có thể bắt được chim bồ câu ở bên bờ sông.

Một giả thuyết khác là cá đã ăn hết mồi và thiếu thức ăn, buộc chúng phải kiếm ăn ở môi trường bên ngoài. Nhưng điều đó chưa đủ sức thuyết phục tại sao một con cá da trơn có kích thước trung bình khoảng 1-1,5 mét lại đi săn chim bồ câu.

Nhiều người cho rằng, những con cá nheo quá lớn khó có thể bơi qua được các vùng nước dọc theo bờ sông, trong khi những con cá nheo nhỏ hơn không đủ sức để bắt được chim bồ câu. Sau khi lao lên mặt nước và tóm được con mồi, cá nheo Châu Âu thường dìm chúng xuống nước để ăn thịt. Theo các nhà nghiên cứu, loài cá này có tỷ lệ săn mồi thành công lên tới 28%.

Thoạt nghe có vẻ rất khó để cá nheo có thể săn mồi trên mặt nước nhưng lưu ý rằng, sư tử cũng chỉ có tỷ lệ săn mồi thành công là 18% ngay cả khi săn mồi theo đàn và săn những con vật trên cạn. Vì vậy đây là một kỷ lục đối với một con cá.

9. Cá mang rổ (Cá cung thủ)

Đúng như cái tên của mình, cá cung thủ là một loại cá có tài "thiện xạ" vô cùng ấn tượng. Nó thường săn những loài vật đậu trên những cành cây treo lơ lửng phía trên mặt nước. Tưởng chừng như đây là nơi an toàn đối với nhiều loài côn trùng nhỏ nhưng hóa ra đây cũng là nơi cực kỳ nguy hiểm nếu chúng không may lọt vào tầm ngắm của loài cá cung thủ.

Cá cung thủ
Cá cung thủ là một loại cá có tài "thiện xạ" vô cùng ấn tượng.

Thay vì nhảy và lao lên trên mặt nước. Loài cá này sẽ bắn một tia nước mạnh từ miệng hướng về phía con mồi.

Tia nước với lực bắn mạnh khi phun ra khỏi miệng loài cá này sẽ làm cho con mồi nhanh chóng bị rơi xuống nước và làm mồi cho chúng.

8. Cá voi sát thủ

Cá voi sát thủ là loài cá săn mồi có kích thước khá lớn nhưng nhỏ hơn nhiều so với loại cá voi thông thường. Chúng có thân trên màu đen và phần bụng màu trắng. Những con mồi phổ biến của chúng gồm hải cẩu, chim biển, bạch tuộc, rùa, cá mập và thậm chí cả cá voi.

Cá voi sát thủ
Cá voi sát thủ thường lao lên trên không trung để tóm lấy những con chim bay gần mặt nước.

Mặc dù sống dưới biển nhưng cá voi sát thủ không hẳn là cá. Chúng là động vật có vú thuộc họ cá heo. Mặc dù vậy thói quen săn bắt cá đặc biệt của loài này xứng đáng để nó xuất hiện trong danh sách. Cá voi sát thủ thường lao lên trên không trung để tóm lấy những con chim bay gần mặt nước hoặc những loài động vật trên cạn đang lang thang dọc theo bờ biển.

7. Cá rồng bạc

Đây là một loài cá săn mồi tìm thấy chủ yếu ở vùng biển Nam Mỹ. Nó có khả năng nhảy khỏi mặt nước để bắt chim, côn trùng và rắn từ những cành cây nhô ra ngoài mặt nước.

Cá rồng bạc
Cá rồng bạc có khả năng nhảy khỏi mặt nước để bắt chim, côn trùng và rắn.

Những con mồi phổ biến của chúng là nhện, bọ cánh cứng, chim nhỏ và rắn. Hành động của chúng nhanh tới mức con mồi gần như chui gọn trong mồm của nó trước khi nhận ra chuyện gì vừa xảy ra. Cá rồng bạc dài tới 1 mét và có thể nhảy cao tới 2 mét khỏi mặt nước.

Ở Nam Mỹ, chúng còn được gọi là khỉ nước vì tài nhảy cao khỏi mặt nước. Chúng có vẻ thích săn các loài trên cạn hơn là cá dưới nước. Cá rồng bạc thích nghi với việc săn mồi trên mặt nước tới nỗi khi được nuôi thả trong bể, chúng thường phát triển tật xệ mắt, tức là một hoặc cả hai mắt của chúng sụp xuống và không thể nhìn lên được nữa do thói quen nhìn ngước lên trên nhiều.. Điều này do chủ của chúng thường để thức ăn chìm xuống đáy hồ và cả con mồi bơi ở phía dưới cá rồng bạc.

6. Cá mập hổ

Những con cá mập hổ ở Vịnh Mexico dường như nắm được hành trình di chuyển của những con chim di cư bay từ phương xa tới nên chúng thường đợi chờ cơ hội, khi những con chim mỏi cánh do mất phương hướng sà xuống nước để nghỉ ngơi. Đây cũng là thời điểm thích hợp để con cá mập hổ tấn công và biến những con chim này thành bữa ăn.

Cá mập hổ
Cá mập hổ thường chờ săn chim khi những con chim mỏi cánh do mất phương hướng sà xuống nước để nghỉ ngơi.

Marcus Drymon, một nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm Biển đảo Dauphin đã có dịp bắt được vài con cá mập hổ ngoài khơi bờ biển Alabama khi chúng nôn ra lông. Sau đó, Drymon tiến hành mổ dạ dày của 50 con cá mập hổ khác. Thật bất ngờ khi anh phát hiện thấy xác gồm mỏ, lông và chân của các loài như chim ưng, chim gõ kiến và chim sáo.

5. Cá ngát (họ cá da trơn)

Cá ngát đã tiến hóa bằng việc rời khỏi mặt nước để săn mồi trên cạn. Mặc dù thức ăn của chúng chủ yếu dưới nước nhưng loài cá này cũng thích ăn bọ cánh cứng trên mặt nước. Tuy nhiên để bắt được chúng, những con cá ngát phải lặn lội lên trên mặt đất để săn mồi.

Cá ngát
Cá ngát có một hệ thống xương sống khá vững chắc.

Khi phát hiện thấy con mồi, chúng thường nhô người lên và sử dụng cơ hàm chắc khỏe để tóm gọn những con bọ trước khi kéo chúng xuống dưới nước. Nhờ tiến hóa nên loài cá này có một hệ thống xương sống khá vững chắc, giúp nó có thể uống cong thân mình dễ dàng khi săn mồi.

4. Cá thòi lòi

Loài cá có cái tên đặc biệt này có thói quen di chuyển trên mặt nước, đặc biệt là đi trên bùn bằng cách lướt qua nó.

Cá thòi lòi
Những con mồi ưa thích của chúng là côn trùng, giun và những con cá thòi lòi nhỏ khác.

Chúng thích nghi rất tốt với môi trường sống trên cạn nhờ khả năng thở bằng mang và qua da, miệng và cổ họng. Đặc biệt phần vây phía trước của nó có thể kiêm chức năng của đôi chân. Những con mồi ưa thích của chúng là côn trùng, giun và những con cá thòi lòi nhỏ khác.

Một số loài thậm chí còn đi xa khỏi mặt nước, mặc dù đa số chúng vẫn cần môi trường ẩm ướt và đầm lầy. Cá thòi lòi thậm chí còn giao phối và đánh dấu lãnh thổ ngay cả trên mặt nước.

3. Cá hổ Châu Phi

Không giống như cá rồng bạc thường tập trung săn những loài côn trùng và chim leo trèo trên cành cây gần mặt nước, cá hổ Châu Phi chỉ tập trung săn những con chim nhạn bay trên mặt nước.

Cá hổ châu Phi
Đối với mỗi loại chim, cá hổ Châu Phi lại có phương pháp săn khác nhau.

Sở dĩ nó có thể làm được điều này nhờ thân hình thuôn dài, có thể dài tới 1 mét và hàm răng sắc nhọn với đầy răng nanh. Thật thú vị đây là loài cá nước ngọt duy nhất có khả năng săn mồi theo cách này.

Đối với mỗi loại chim, cá hổ Châu Phi lại có phương pháp săn khác nhau. Chiến thuật phổ biến nhất của nó là đánh động con chim từ bề mặt nước trước khi nhảy lên và tóm gọn con mồi. Một cách khác là nó ẩn nấp dưới nước và nhảy ra khcỏi mặt nước để tóm con mồi khi nó bay ngang qua.

2. Cá lóc Châu Mỹ

Cá lóc cũng có khả năng săn mồi trên cạn. Chúng có nguồn gốc từ Châu Á nhưng giờ đây lại trở thành loài xâm lấn bí ẩn trên các dòng sông ở Mỹ. Nguyên nhân do loài cá này được nhập khẩu hợp pháp từ Châu Á sang Mỹ để làm thức ăn và vật nuôi. Do vậy nhiều người nghi ngờ rằng, ai đó có thể đã thả chúng xuống sông. Và từ đó, loài cá này sinh sổi nảy nở và dần xuất hiện ở nhiều con sông tại Mỹ.

Cá lóc châu Mỹ
Ở Úc, loài cá này đã được phát hiện săn chim, động vật gặm nhấm và thậm chí cả rắn.

Chỉ riêng ở sông Potomac đã có hơn 21 ngàn con cá lóc. Những con cá này thường rời mặt nước để săn mồi trên cạn. Ở Úc, loài cá này đã được phát hiện săn chim, động vật gặm nhấm và thậm chí cả rắn. Khi đi săn, cá thường luồn lách qua mặt bùn để kiếm mồi. Chúng thường nuốt chửng ngay con mồi sau khi tóm được.

1. Cá hồi chấm

Cá hồi chấm là một loài cá nước ngọt với cơ thể đầy màu sắc và xung quanh thân có các đốm đen. Nó được biết đến với khả năng nhảy cao lên không trung và thường chống trả rất quyết liệt khi bị bắt.

Cá hồi chấm
Cá hồi chấm được biết đến với khả năng nhảy cao lên không trung và thường chống trả rất quyết liệt khi bị bắt.

Thực đơn của loài cá này rất đa dạng, từ côn trùng đến các loài cá nhỏ và cả những động vật có vú cỡ nhỏ sống trên cạn. Trong một nghiên cứu hồi năm 2013, các nhà khoa học phát hiện thấy trong bụng của một con cá hồi chấm có tới 20 con chuột trong bụng. Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy loài cá này ăn cả chuột đồng và các loài động vật có vú nhỏ khác ở xung quanh nơi chúng sinh sống.

Các nhà khoa học không dám chắc cách săn mồi của loài cá này như thế nào nhưng họ cho rằng, chúng bắt những con mồi khi chúng đang lang thang gần bờ sông. Đơn cử như loài chuột chù có thói quen đi lang thang dọc bờ sông để kiếm ăn.

Cập nhật: 23/07/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.494