Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt của động vật trên toàn cầu đã và đang diễn ra, được coi là tồi tệ hơn dự báo. Đó là nhận định của một nhóm nhà khoa học công bố trên tạp chí The Scientist. Theo đó, có tới 48% quần thể động vật đang bị thu hẹp, chỉ có 3% quần thể đang gia tăng trong khi 33% các loài đang dần tới tuyệt chủng.
Hóa thạch khủng long ba sừng Horridus đã tuyệt chủng cách đây 67 triệu năm. (Nguồn: Museums Victoria).
Nghiên cứu thực hiện trong nhiều năm với hơn 71.000 loài động vật (bao gồm động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá và côn trùng) từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà khoa học đồng ý rằng một sự kiện tuyệt chủng đang xảy ra và các loài biến mất nhanh hơn nhiều so với tốc độ chúng được thay thế.
Việc đánh giá tình trạng bảo tồn của một loài dựa trên các đánh giá do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ban hành, cũng cho rằng tốc độ tuyệt chủng hiện tại đã cao hơn từ 1.000 - 10.000 lần (tùy loài) so với trước. Điều này khiến một số nhà khoa học lập luận rằng sự sống trên Trái Đất đã bước vào "sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu". Trước đó, hành tinh của chúng ta đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng:
Đáng chú ý, cả 5 cuộc đại tuyệt chủng đó đều do tác động tự nhiên; trong khi cuộc tuyệt chủng thứ 6 (nếu có) lại bị cho là do tác động của con người.
Giả thiết về một cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 nhận được nhiều ý kiến phản đối. Tuy nhiên, nó vẫn là một cảnh báo đỏ đối với loài người về việc tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên. Giới chuyên gia môi trường cho rằng nhiều loài đang suy giảm do mất môi trường sống, tác động xấu của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các hóa chất khác. Chúng còn trầm trọng hơn nguyên nhân biến đổi khí hậu.
Đa dạng sinh học đã không còn là một lời kêu gọi, ngược lại, nó phải được coi là lời cảnh báo đối với loài người nếu như một ngày nào đó hệ sinh thái bị phá hủy và sụp đổ. Tuy nhiên, không giống như vụ va chạm của tiểu hành tinh dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long, chúng ta vẫn còn thời gian để thay đổi, tất nhiên là với quyết tâm rất cao.