Trong khi hầu hết chúng ta ngồi cố gắng thử thách bản thân đến phòng tập ba lần một tuần, và vẫn thất bại, thì vào năm 2023, tiến sĩ Joseph Dituri đã quyết định thử thách bản thân bằng cách dành 100 ngày trong một môi trường sống nằm sâu 30 feet (9,1m) dưới đầm phá Florida.
Joseph Dituri, kỹ sư y sinh và cựu binh hải quân Mỹ, đã thực hiện một thử thách sống 100 ngày dưới nước để nghiên cứu khoa học, nhằm phá vỡ kỷ lục thế giới hiện nay là 73 ngày do hai nhà sinh vật học ở Tennessee thiết lập vào năm 2014.
Theo kế hoạch, Dituri sẽ phải sống trong "khách sạn" dưới nước Jules’ Undersea Lodge ở Key Largo, Florida, nơi đã ghi nhận kỷ lục trước đó. Thử thách này yêu cầu nhà khoa học và cựu sĩ quan hải quân phải lặn xuống một căn phòng rộng 9m x 9m và theo dõi phản ứng của cơ thể trước áp suất cực lớn khi sống dưới nước trong thời gian dài - dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế, tâm lý và tâm lý xã hội. Để ngăn nước chảy vào khách sạn, không khí phải được bơm vào thường xuyên để tạo ra áp suất gấp khoảng 1,6 lần trên bề mặt Trái đất.
Tiến sĩ Joseph Dituri đã sống 100 ngày dưới nước để nghiên cứu khoa học.
Tiến sĩ Dituri thực hiện thử thách này một phần vì thích thú, một phần là do tham vọng tìm hiểu xem việc sống dưới nước trong thời gian dài như vậy có thể ảnh hưởng đến cơ thể ông như thế nào và cuối cùng là nghiên cứu một loại thuốc có thể giúp cung cấp oxy cho cơ thể con người dưới áp suất cao bằng cách giúp cơ thể phát triển các mạch máu mới.
Trong một thông cáo báo chí từ năm ngoái, các chuyên gia nhấn mạnh: "Phần quan trọng của thí nghiệm sẽ là theo dõi những ảnh hưởng tâm lý mà anh ấy trải qua khi ở trong một môi trường tương tự như chuyến du hành vũ trụ kéo dài".
"Đó là một môi trường cực kỳ cô lập và bị hạn chế về mọi mặt. Loài người là một chủng loài sinh vật bầy đàn. Việc cách ly một cá thể khỏi những tiện nghi và liên hệ với bầy đàn của mình chắc chắn sẽ làm phát sinh những phản ứng tâm sinh lý nhất định. Nếu chúng ta muốn khai phá vũ trụ bao la ngoài kia, chúng ta cần phải biết những trở ngại tinh thần có thể ảnh hưởng đến cuộc hành trình".
Khi ông trở về từ chuyến thám hiểm dưới nước vào tháng 6 năm ngoái, Tiến sĩ Dituri tuyên bố rằng xét nghiệm máu cho thấy mọi dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể ông đã giảm 50%.
Ông khẳng định sức khỏe của ông đã được cải thiện rất nhiều sau chuyến hành trình kéo dài 100 ngày, bao gồm cả telomere dài hơn - cấu trúc trên nhiễm sắc thể thường liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ.
Phát biểu với các phóng viên tại WKMG News ở Orlando, Tiến sĩ Dituri cho biết: "Tôi hiện 56 tuổi. Tuổi sinh học bên ngoài của tôi là 44. Khi tôi ra khỏi nước, tuổi sinh học bên ngoài của tôi là 34. Thí nghiệm chứng tỏ tôi đã trẻ hơn khi ở dưới nước trong thời gian dài".
Tiến sĩ Dituri khẳng định rằng các telomere của ông không dài bằng khi ông mới công khai vào tháng 6, nhưng chúng dài hơn so với trước khi ông bắt đầu nghiên cứu.
Suối nguồn tươi trẻ là một câu chuyện, một truyền thuyết, và cũng là một khái niệm phổ biến liên quan đến sự tìm kiếm vĩnh cửu của con người để tìm ra nguồn nước hoặc phương pháp mang lại sự trẻ trung vĩnh viễn và bất tử.
Và giờ đây, "suối nguồn" đã lộ diện…
Sau khi sống dưới nước, xét nghiệm máu cho thấy mọi dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể ông đã giảm 50%.
Tiến sĩ Dituri tin rằng hiện tượng "lão hóa ngược" kỳ lạ của mình là do sống trong môi trường áp suất cao, hay thường được gọi với thuật ngữ "tăng áp".
"Đã từng có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra những tác động tích cực của áp suất đối với khả năng phát triển và sống sót của tế bào. Thí nghiệm của tôi có thể sẽ là chìa khóa để mở ra bí mật cho sự trường thọ của nhân loại", ông chia sẻ.