Nguyên nhân hiện tượng tuyết rơi kỷ lục ở Nhật Bản

  •  
  • 1.608

Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA), tuyết rơi dày phủ trắng xoá toàn bộ khu vực Kanto, Nhật Bản, trong ngày 14/1 là do hình thái thời tiết thường thấy vào đầu mùa Xuân và “ít có khả năng” xảy ra vào mùa này.

>>> Nhật: Bão tuyết làm hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ

Đây là trận mưa tuyết dày chưa từng thấy trong nhiều năm qua ở khu vực Kanto, đặc biệt là ở thủ đô Tokyo.

Đới áp thấp phát triển nhanh chóng khi nó đi về phía Đông ngay sát khu vực rìa phía Nam của quần đảo Nhật Bản. Đây là một hiện tượng thời tiết thường thấy vào tháng Ba hàng năm nhưng lại hiếm khi xảy ra vào giữa tháng Một.

Một quan chức của JMA khẳng định, “Ít có khả năng hiện tượng tuyết rơi dày chưa từng có này lặp lại”. Ở khu vực trung tâm thủ đô Tokyo, tuyết rơi dày 8cm và Yokohama lên tới 13cm khiến mạng lưới giao thông của thành phố này và khu vực xung quanh bị đình trệ.

Tuyết rơi bất thường ở Nhật
Tuyết rơi bất thường ở Nhật

Một phụ nữ sống ở quận Shibuya, Tokyo, 34 tuổi cho biết: “Trong 17 năm qua, đây là lần đầu tiên tuyết rơi dày đến vậy. Thông thường ở Tokyo có năm tuyết rơi, có năm không có tuyết nhưng nếu có tuyết thì số lượng cũng không nhiều đến thế”. Điều đặc biệt là trong ba năm qua từ năm 2011 đến 2013, ba năm liền đều có tuyết vào đầu năm.

Cơ quan khí tượng phân tích rằng đới áp thấp đi qua khu vực phía Nam của quần đảo Nhật Bản có thể gây ra tuyết rơi dày vì không khí lạnh từ phía Bắc gặp hơi ẩm và dòng không khí ấm từ phía Nam đi lên.

Khi trung tâm của dãy áp thấp tiến gần tới đảo Hachijojima, như những gì đã diễn ra hôm 14/1, Kanto đã chìm trong mưa tuyết.

Nếu áp thấp đi lên phía Bắc của đảo thì sẽ chỉ có mưa vì không khí quá ấm khiến tuyết khó có thể hình thành. Nếu nó đi về phía Nam của hòn đảo thì Kanto chỉ có mây mù mà không xuất hiện mưa hoặc tuyết rơi.

Đới áp thấp thường đi lên phía Bắc của Nhật Bản vào mùa Đông. Tuy nhiên, chính sự di chuyển bất thường của vùng áp thấp khiến thủ đô Tokyo được chứng kiến hiện tượng tuyết rơi dày kỷ lục này.

Quan chức JMA cho biết: “Khi gió Tây ôn hoà di chuyển chủ yếu theo hướng Nam thì trung tâm của đới áp thấp cũng chạy dọc theo phía Nam của Nhật Bản”.

Nhiệt độ ở gần mặt đất cũng tác động đến việc có tuyết hay không. Theo JMA, đới áp thấp đi về vùng biển phía Nam không phải lúc nào cũng gây ra hiện tượng tuyết rơi dày đến vậy.

Theo Vietnam+
  • 1.608