Các bác sĩ trong thời kỳ Cái chết Đen tin rằng việc mặc đồ da, kết hợp mặt nạ thảo mộc có thể ngăn sự lây nhiễm của dịch hạch.
Cái chết Đen bùng phát vào giữa thế kỷ 14 là trận dịch hạch tồi tệ nhất lịch sử, khiến 25 triệu người trên khắp châu Âu thiệt mạng chỉ trong vài năm, tương đương 30% dân số của lục địa vào thời điểm đó. Căn bệnh do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra, lây lan thông qua bọ chét và chấy rận sống ký sinh trên chuột đen.
Đồng phục của bác sĩ dịch hạch trong thời kỳ Cái chết Đen. (Ảnh: Liz Magno).
Trong cơn tuyệt vọng, các nước châu Âu đã thành lập một đội ngũ bác sĩ mới, được gọi là bác sĩ dịch hạch (plague doctor), bao gồm những người có rất ít kinh nghiệm hoặc thậm chí không hề được đào tạo về y tế. Nhiệm vụ của họ không phải điều trị cho bệnh nhân, mà thay vào đó là dấn thân vào những điểm nóng để kiểm đếm số người chết do bệnh dịch và đôi khi hỗ trợ khám nghiệm tử thi.
Trong suốt một thời gian dài, không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra Cái chết Đen. Đến thế kỷ thứ 17, các bác sĩ vẫn còn tin vào "thuyết chướng khí", một quan điểm y khoa lạc hậu cho rằng bệnh dịch hạch có thể lây lan qua mùi hôi của xác chết. Chính điều đó đã dẫn đến sự ra đời của bộ đồ bảo hộ kỳ quái, thứ sau này được sử dụng làm đồng phục cho các bác sĩ dịch hạch và trở thành một biểu tượng ám ảnh khi nhắc tới Cái chết Đen.
Bộ đồ được phát minh vào năm 1619 bởi Charles de l'Orme, bác sĩ chính của quốc vương Pháp Louis XIII. Nó bao gồm một áo choàng trùm đầu dài đến mắt cá chân, quần ống túm, giày, mũ và găng tay - tất cả đều được làm bằng da dê có tẩm chất thơm và phủ một lớp mỡ động vật cứng màu trắng ở bên ngoài để ngăn dịch cơ thể của nạn nhân thấm qua.
Đi kèm với bộ đồ bảo hộ còn có một phụ kiện không thể thiếu là mặt nạ hình mỏ chim với "cái mũi dài tới 15 cm" chứa đầy thảo mộc như đinh hương, bạc hà, long não và nhựa thơm. Mục đích là để khử mùi hôi của xác chết. Hai lỗ hổng ở vị trí mắt được che chắn bằng kính.
Khi thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ dịch hạch cũng thường cầm theo một cây gậy gỗ dài để kiểm tra các thi thể mà không cần tiếp xúc, hoặc để xua đuổi người khác khi muốn họ giữ khoảng cách.
Tranh vẽ một bác sĩ dịch hạch có tên là Schnabel vào thế kỷ 17. (Ảnh: Paul Fürst/Death Scent).
Thật không may, bộ đồ được ví như trang phục của thần chết này trên thực tế không có tác dụng ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch hạch. Nó còn có một số nhược điểm như nóng, bí và không thấm mồ hôi. Hậu quả là nhiều bác sĩ đã nhiễm bệnh và tử vong.
Do không hiểu rõ về căn bệnh này, các phương pháp điều trị ở thời Trung Cổ như đắp, chích và hút nốt sưng - những u nang chứa đầy mủ to như quả trứng xuất hiện ở cổ, nách và bẹn của bệnh nhân - đều không hiệu quả, thậm chí còn đẩy nhanh cái chết do nhiễm trùng.
Ngày nay, dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra không còn là mối đe dọa với y học hiện đại. Lần cuối cùng căn bệnh này bùng phát ở Mỹ đã là từ năm 1924 và kể từ đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách điều trị bằng thuốc kháng sinh thông thường.