Dùng vitamin C thế nào không hại thận?

Hướng dẫn dùng vitamin C đúng cách
  •  
  • 298

Vitamin C có lợi cho người bệnh suy thận, giảm nguy cơ ung thư thận, nhưng nếu sử dụng liều lượng cao thường xuyên có thể gây hại.

Vitamin C là dưỡng chất quan trọng với cơ thể, giúp hấp thụ sắt từ thực phẩm, chữa lành vết thương và bầm tím trên da, hỗ trợ sửa chữa xương.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), lượng vitamin C cần thiết cho nam giới trưởng thành là 90 mg mỗi ngày, nữ giới khoảng 75 mg mỗi ngày. Người hút thuốc cần thêm khoảng 35 mg vitamin C, do thuốc lá làm tăng căng thẳng oxy hóa, giảm mức vitamin.

Thận có chức năng lọc vitamin C thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu thận không hoạt động bình thường hoặc thường xuyên tiêu thụ lượng vitamin C cao có thể gây ra một số nguy cơ với sức khỏe.

Một đánh giá năm 2023 của Đại học Y Phần Lan cho thấy vitamin C có thể chống viêm và chống oxy hóa cho người mắc bệnh thận mạn tính. Người đang chạy thận nhân tạo cũng có thể được khuyến nghị bổ sung vitamin C. Một đánh giá năm 2021 tại Phần Lan ghi nhận lọc máu làm giảm 67% mức vitamin C trung bình của 138 người tham gia.

Tuy nhiên, hàm lượng vitamin C cao có thể gây hại cho người bệnh thận mạn. Ví dụ nếu tiêu thụ 30-180 mg vitamin C mỗi ngày, cơ thể thường hấp thụ 70-90% lượng này. Sau đó, thận bài tiết phần dư thừa qua nước tiểu.

Vitamin C có thể được chuyển hóa thành oxalate, chất này cũng được lọc qua thận. Thận của người mắc bệnh này mạn tính không còn khả năng lọc chất thải hiệu quả, có thể tích tụ oxalate trong cơ thể, dẫn tới sỏi thận, viêm, suy thận.

Vitamin C liều cao làm tăng nguy cơ sỏi thận, phổ biến nhất là canxi oxalate. Lượng vitamin C từ thực phẩm không có khả năng gây ra tình trạng này, nhưng cần lưu ý khi bổ sung bằng thực phẩm chức năng.

Để giảm nguy cơ sỏi thận, NIH khuyến nghị người lớn tiêu thụ không quá 2.000 mg vitamin C mỗi ngày.

Cam rất giàu vitamin C.
Cam rất giàu vitamin C. (Ảnh: Hà Phượng).

Với người bệnh ung thư thận, vitamin C có thể có tác động tích cực. Theo một đánh giá năm 2022 của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, tăng cường ăn rau và vitamin C có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư thận.

Một phân tích tổng hợp năm 2015 cũng đánh giá người có lượng vitamin C hấp thụ cao hơn thì nguy cơ ung thư thận thấp hơn. Nghiên cứu năm 2019 tại Mỹ còn cho thấy bổ sung vitamin C có thể tăng hiệu quả của hóa trị ở người bệnh ung thư thận mà không làm tăng các tác dụng phụ.

Tuy nhiên, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI) khuyến nghị không nên dùng vitamin C liều cao cho bệnh nhân ung thư thận vì có thể gây hại nhiều hơn.

Cơ thể không thể tạo ra vitamin C mà phải hấp thu từ thực phẩm hoặc chất bổ sung. Chất dinh dưỡng này được tìm thấy khắp cơ thể nên các chuyên gia sức khỏe thường sử dụng nồng độ vitamin C trong máu để đánh giá lượng vitamin của mỗi người.

Nhiều loại trái cây và rau quả giàu vitamin C như ớt chuông đỏ và xanh, dâu tây, kiwi, cam, bưởi, khoai tây, cà chua, bắp cải, súp lơ... Người không nhận đủ vitamin C qua chế độ ăn uống nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung vitamin C phù hợp, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến thận.

Cập nhật: 29/03/2024 VnExpress
  • 298