Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thế nào?

  •  
  • 442

Đoàn tàu đường sắt đô thị đầu tiên ở thủ đô có sức chứa 960 hành khách, tần suất chạy 6-7 phút mỗi chuyến, dừng đỗ tại các ga khoảng 30 giây.

Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đang được đơn vị tư vấn độc lập đánh giá an toàn kỹ thuật để phục vụ nghiệm thu. Bộ Giao thông Vận tải dự kiến bàn giao chính thức cho Hà Nội và đưa vào khai thác thương mại vào cuối tháng 4.

Theo phương án vận hành mới nhất, tàu chạy từ 5h sáng đến 23h đêm hàng ngày, tần suất 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể giảm xuống 2-3 phút. Giai đoạn đầu khi lượng hành khách chưa đông, tần suất chạy tàu là 10-15 phút mỗi chuyến.

Tại mỗi ga, tàu dừng để hành khách lên xuống khoảng 30 giây, các ga đầu mối có lượng khách đông thì thời gian dừng có thể tới 45 giây. Thời gian tàu chạy toàn tuyến hết khoảng 25 phút. Lịch chạy tàu được bố trí vận hành xuyên suốt và ổn định vào tất cả các ngày trong năm, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết hay môi trường.

Các toa tàu đều được trang bị hệ thống radio hai chiều, cho phép hành khách có thể liên lạc trực tiếp với nhân viên điều khiến trong tình huống khẩn cấp. Trên tàu và các nhà ga đều có biển chỉ dẫn, thông tin nơi đến bằng tiếng Việt và tiếng Anh; phát thanh khi tàu đến các ga cũng bằng hai thứ tiếng.

Bên trong đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông.
Bên trong đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Ngọc Thành).

Hành khách mua vé tại quầy hoặc máy bán vé tự động. Khi quẹt vé tại cửa soát vé tự động, nếu vé hợp lệ, máy sẽ phát ra tiếng động và mở cửa để hành khách đi qua. Hành khách cần giữ lại vé để soát vé tại ga đến. Vé tàu điện giống thẻ ATM, sử dụng công nghệ hiện đại, có tính bảo mật. Sau này, vé sẽ được kết hợp liên thông, sử dụng cho các phương tiện vận tải công cộng khác như xe buýt thường, xe buýt nhanh.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, cho hay giá vé lượt dự kiến thấp nhất là 7.000 đồng, cao nhất cho cả chặng là 15.000 đồng. Giá vé tháng là 200.000 đồng có giá trị trong 30 ngày. Ngoài ra còn có loại vé đi nhiều lần, hành khách có thể nạp thêm tiền để sử dụng liên tục mà không phải mua vé lượt.

Trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga được thiết kế với nhiều tiện ích gồm thang máy, thang cuốn, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu, tin tức và hệ thống thông gió, phòng cháy chữa cháy và camera giám sát an ninh.

Hệ thống camera do nhân viên điều độ trung tâm điều hành, nhân viên trực ban ga và giám sát lái xe khởi động tàu cùng thực hiện, hình thành mạng giám sát khép kín.

Mỗi nhà ga gồm 2 khu vực chính là nơi phục vụ hành khách với sảnh ra vào, máy bán vé, quầy thông tin và dịch vụ khách hàng, cửa thu soát vé tự động, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật. Các nhà ga đều có thang máy để phục vụ hành khách không thể di chuyển bằng thang bộ.

Theo ông Vũ Hồng Trường, tại các nhà ga sẽ được bố trí thêm dịch vụ tiện ích phục vụ khách đi tàu, như máy rút tiền tự động, máy bán hàng tự động, quầy ăn nhanh, quầy hàng thời trang, đồ lưu niệm... Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức trông giữ xe máy, xe đạp cho khách đi tàu trong phạm vi các nhà ga.

Để chuẩn bị vận hành tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã tuyển dụng 681 lao động Việt Nam, trong đó 201 người được đưa đi học ở Trung Quốc.

Thời gian qua, dự án bị chậm tiến độ nên một số lao động phổ thông làm việc ở nhà ga đã nghỉ việc, Metro Hà Nội đang tuyển bổ sung và tiếp tục đào tạo.

Trong 681 nhân sự, sẽ có 651 người trực tiếp tham gia vận hành dự án, còn 30 nhân sự điều hành, quản lý. Các lao động phải chia ca làm việc để đảm bảo điều hành liên tục các chuyến tàu từ 5h sáng đến 23h đêm.

Các đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Các đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Ngọc Thành)

Trong giai đoạn đầu, Công ty Metro Hà Nội dự kiến huy động nhiều tình nguyện viên đứng tại nhà ga để hướng dẫn hành khách lên xuống tàu đảm bảo an toàn.

Hiện có 51 tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Tuy nhiên, việc phân bổ dọc tuyến không đều, tập trung chủ yếu trên trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông) – Quang Trung (Hà Đông). Trong khi các ga đường sắt khu vực khác như các ga Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh... số tuyến ít hơn, năng lực vận chuyển thấp, không đa dạng về hướng kết nối.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Theo đó, đơn vị sẽ bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có 65 điểm dừng với cự ly bình quân khoảng 400 m.

Sau khi thực hiện phương án kết nối, hành lang đường sắt sẽ tăng lên 59 tuyến, trong đó bổ sung 8 tuyến kết nối với ga Cát Linh và một tuyến kết nối với ga Yên Nghĩa.

Tàu điện chạy làn đường riêng với tốc độ ổn định, trung bình đạt 35 km/h, trong khi tốc độ xe buýt trung bình 16 km/h và phụ thuộc vào tình hình giao thông. Do đó, thời gian lưu thông bằng tàu điện sẽ tối ưu hơn.

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông đi đường sắt trên cao dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Trong số 13 đoàn tàu của dự án, đơn vị vận hành sẽ khai thác 10 đoàn tàu, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng.

Mỗi đoàn tàu có 4 toa dài khoảng 80 m, sức chứa 960 hành khách. Mỗi toa dài khoảng 19 m, rộng 2,8 m, cao 3,8 m, bên trong có các hàng ghế và thanh trụ, thanh treo giúp hành khách đứng vững, có các ghế dành riêng cho người trong diện ưu tiên.

Cập nhật: 12/04/2021 Theo VnExpress
  • 442