'Dzô' trăm phần trăm: Coi chừng xơ gan!

  •  
  • 2.422

Bia rượu liên tục làm lá gan của bạn bị tàn phá âm thầm đến ngày nào đó phát hiện xơ gan thì đã muộn! BS Đào Thị Yến Phi, Trung tâm Đào tạo & bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, cho biết:

Có người nói càng nhậu càng khỏe, càng... trẻ ra, bởi đời luôn vui nhộn? (Ảnh: ttvnol)
- Hãy coi lá gan như một nhà máy đa năng của cơ thể. Một người có thể sống thiếu một đoạn ruột, một phần dạ dày, một quả thận, một vài xương sườn hoặc cắt mất một lá phổi nhưng không ai có thể sống thiếu lá gan.

Nếu độc chất được đưa vào một cách vô tình thì không trách nhưng một số người hằng ngày lại siêng năng nạp vào cơ thể số lượng lớn chất độc ảnh hưởng đến gan.

* Có người nói càng nhậu càng khỏe, càng... trẻ ra, bởi đời luôn vui nhộn?

- Số lượng mà các nhà dinh dưỡng khuyến khích là mỗi ngày sử dụng một ly rượu vang đỏ (từ 60-150ml) để bảo vệ tim mạch và kéo dài tuổi thọ (tối đa 250ml).

Chất cồn từ rượu bia chỉ được chuyển hóa qua gan trước khi thải qua thận. Nếu số lượng chất cồn được đưa vào cơ thể ít, dưới 150ml ethanol mỗi ngày (khoảng 1,5 ly “xây chừng”) - đó là lượng tối đa  - và nếu được đưa vào cơ thể một cách chậm (uống từ từ) thì gan có thể thu nhận, chuyển hóa và thải ra ngoài dễ dàng mà hầu như không ảnh hưởng đến chức năng của gan.

Còn khi uống bia rượu trên số lượng này trong thời gian ngắn, cứ dzô... dzô... 100% thì nồng độ rượu trong máu sẽ tăng nhanh, buộc lá gan “chạy” hết tốc lực để làm sao giảm nồng độ cồn trong máu xuống dưới mức cho phép càng nhanh càng tốt. Nếu bắt gan hoạt động quá sức từ ngày này qua ngày khác tất nhiên nó sẽ mau chóng hư hỏng.

* Như vậy nhậu đến khi nào thì chức năng gan giảm?

BS Đào Thị Yến Phi (Ảnh: TTO)

- Điều này rất khó trả lời vì tùy thuộc bản chất di truyền của mỗi người, số lượng rượu bia uống mỗi ngày, cách uống, lúc uống có ăn hay không, đã có bệnh lý gan, có sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến gan, hay tiếp xúc với một loại độc chất nào đó trong môi trường ảnh hưởng đến gan hay không..., chế độ ăn uống, vận động, làm việc, thuốc men...

Trong giai đoạn đầu mới suy giảm chức năng gan thì không thể nhận biết vì không có triệu chứng gì. Gan có khả năng bù trừ rất đáng ngạc nhiên. Đôi khi số lượng tế bào gan đã tổn thương đến gần 50% mà những tế bào gan còn lại vẫn có khả năng tăng hoạt động để đảm bảo chức năng bình thường của gan.

Khi thấy được các triệu chứng như báng bụng, vàng da, rụng tóc, thiếu máu... là lá gan của bạn đã tổn thương đến 80-90%, đó là suy gan giai đoạn cuối và không còn cách nào cứu lá gan được nữa. Chính vì vậy chúng ta hãy giữ lá gan khi còn khỏe mạnh, còn để tổn thương đến 50% mà muốn cứu vãn thì đôi khi đã muộn.

Ngoài rượu là nguyên nhân gây xơ gan hoàn toàn có thể tránh được, thì vẫn có một số nguyên nhân do không may, do vô tình mà chúng ta không tránh được (như ở bệnh nhân viêm gan, nhiễm độc, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh... đương nhiên ở cơ địa những người này rượu bị cấm tuyệt đối) .

* Các dấu hiệu nào để biết đã bị xơ gan?

- Ăn uống khó tiêu, hay sình bụng, hay bị những vết bầm trên da, dễ bị nhiễm trùng, chảy máu, có cảm giác đau, căng tức ở hạ sườn phải. Tuy nhiên những triệu chứng này không phải lúc nào cũng có - tức nó có thể diễn tiến âm thầm cho đến khi bị xơ gan mất bù. Khi thấy một vài trong số các triệu chứng kể trên thì nên đến ngay khoa nội các bệnh viện đa khoa để được khám và theo dõi.

* Từ lúc xơ gan đến tử vong là bao lâu?

- Khi đã xơ gan rồi thì cách điều trị duy nhất là ghép gan. Xơ gan được chia làm nhiều giai đoạn, trong giai đoạn đầu gan vẫn còn khả năng hoạt động và thời gian tiến triển của xơ gan tùy thuộc những yếu tố ăn uống, sinh hoạt...  đã phân tích như trên. Khi ở giai đoạn xơ gan hoàn toàn thì thời gian sống của bệnh nhân chỉ được tính bằng tháng.

* Làm thế nào để phát hiện sớm gan bị tổn thương?

- Ở các nước tiên tiến người ta đi kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi sáu tháng/lần và trong kiểm tra sức khỏe luôn luôn có xét nghiệm về chức năng gan, như vậy họ sẽ phát hiện rất sớm dấu hiệu khi gan bắt đầu giảm chức năng mà chưa có biểu hiện ra bên ngoài.

Ở VN đa số khó có đủ điều kiện để xét nghiệm sáu tháng/lần thì cũng nên khám sức khỏe định kỳ hằng năm để phát hiện tình trạng suy giảm chức năng gan và các nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến chức năng gan.

Khi phát hiện, sẽ có can thiệp bằng chế độ ăn, sinh hoạt, các loại thuốc... để bảo vệ lá gan càng lâu càng tốt. Tuy nhiên các chế độ này không đồng nghĩa với việc giúp bạn có lại được một lá gan khỏe mạnh như thuở ban đầu. Tóm lại, lá gan của bạn quí lắm, hãy bảo vệ nó để sống tới già!

KIM SƠN thực hiện

Theo Tuổi trẻ Online
  • 2.422