Ethylene oxide (EO hay còn gọi là oxiran và epoxit) là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C2H4O, thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.
EO được sử dụng làm nguyên liệu tạo ra các hóa chất khác để chế tạo các sản phẩm phổ biến hiện nay như chất chống đông, chất tẩy rửa, chất kết dính hay thuốc trừ sâu.
Bên cạnh đó, chất này còn được sử dụng để khử trùng các thiết bị không thể khử trùng bằng nước hoặc bức xạ, như một số thiết bị y tế và nha khoa.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), khoảng 50% thiết bị y tế vô trùng được điều trị bằng chất này, đồng thời nó còn dùng để hun trùng trên một số sản phẩm nông sản hay thực phẩm như gia vị, nhiều loại thảo mộc khô, rau khô, hạt mè hay quả óc chó.
Tại châu Âu, Ethylene oxide được xếp nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu, bị cấm dùng trong thực phẩm bán ra do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.
Chất Ethylene oxide thường được sử dụng làm hóa chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.
Nếu dùng Ethylene oxide thường xuyên có thể gây ung thư.
Bên cạnh đó, Ethylene oxide còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm.
Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài.
Cụ thể, chất này khi nhiễm vào cơ thể, sẽ làm rối loạn cấu trúc của đại phân tử protein và ADN, từ đó tạo nên chất gây ung thư cơ bản.
Căn bệnh ung thư và những chất độc gây ung thư cho con người đã được nghiên cứu từ rất lâu. Tuy nhiên, người ta thường chỉ chú trọng một mặt của vấn đề đó là yếu tố lâm sàng, mà quên đi khía cạnh "độc học môi trường".
Trong khi đó trên thực tế, con người luôn phải hít thở không khí độc hại có cả khói thuốc lá, hơi clo, hơi thủy ngân, bụi kim loại, nước uống nhiễm hóa chất hữu cơ, dầu mỡ, uống rượu bia và tiếp xúc thường xuyên với các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm cũng như chất thải từ các ngành công nghiệp tạo ra.
Một minh chứng đó là theo ghi chép, đã có hơn 500 báo cáo tại châu Âu về việc ô nhiễm chất Ethylene oxide trong thực phẩm tính từ đầu năm 2020.
Những báo cáo này chủ yếu bao gồm việc lạm dụng các hóa chất trong cuộc sống ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến như: chất bảo quản trong thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ cỏ, thuốc diệt sâu bọ, diệt nấm…).
Trên thế giới, các quốc gia có những quy định khác nhau về hàm lượng EO trong thực phẩm hay các sản phẩm nông nghiệp.
Như tại Liên minh châu Âu (EU), chất EO được xếp vào nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu cấm dùng trong thực phẩm bán ra có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài, từ nguyên liệu, sản xuất đến lưu trữ.
EO được sử dụng để khử trùng trên thực phẩm như thảo mộc, gia vị hoặc vừng. (Ảnh minh họa).
Chính vì thế, nó được EU phân loại trong nhóm 1B là những chất gây ung thư, gây đột biến và độc tố sinh sản loại I và loại III về độc tính cấp tính. Đồng thời, khối này cũng quy định dư lượng tối đa ở mức rất thấp chỉ từ 0,1 đến 0,2 (mg/kg) tùy sản phẩm.
Ở Mỹ và Canada, Ethylene Oxide được đăng ký sử dụng trong các loại thảo mộc và gia vị, ở mức giới hạn dư lượng tối đa là 7 mg/kg, lớn hơn rất nhiều so với EU.
Hai khu vực này, chất EO thường được sử dụng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp gia vị hay để giảm ô nhiễm vi sinh vật sau thu hoạch và trong kho, giữ màu sắc và hương vị tốt hơn.
Mặc dù nó tiêu tan tương đối nhanh sau khi sử dụng, song chất này vẫn tiềm ẩn nguy cơ khuếch tán vào nhiều thực phẩm khác có chứa clorua, dẫn đến phản ứng hóa học tạo thành các hợp chất độc hại khác, phổ biến nhất là khí 2-chlorethanol.
Hiện tại, nhiều quốc gia Bắc Mỹ đang nghiêm túc cân nhắc thay đổi quy định về sử dụng EO trong thực phẩm.