Giải mã bí ẩn đằng sau những bức ảnh có hồn ma

  •   34
  • 7.020

Với sự phát triển của công nghệ máy ảnh, ngày càng có nhiều bức ảnh "hồn ma" xuất hiện, thậm chí là trong những bức ảnh chụp bằng điện thoại di động.

Tháng 2/2015, tại Hampton Court Palace ở London, cô bé 12 tuổi Holly Hampsheir đã dùng chiếc điện thoại iPhone của mình để chụp ảnh người em họ Brook, và điều kỳ lạ đã xảy ra.

Khi xem lại ảnh, mọi người thấy không chỉ có mình Brook trong bức ảnh mà phía sau còn có một người phụ nữ tóc dài, cao, gầy, mặc chiếc váy dài màu xám. Nhưng đến bức ảnh thứ 2 thì không thấy bóng dáng người phụ nữ kỳ lạ đó đâu.

Vậy nguyên nhân do đâu? Sau khi tìm hiểu, câu trả lời nghiêng về cách chiếc điện thoại thông minh chụp ảnh hơn là sự can thiệp của một thế lực siêu nhiên nào đó.

Hình người phụ nữ bí ấn váy xám xuất hiện trong bức hình của Holly.
Hình người phụ nữ bí ấn váy xám xuất hiện trong bức hình của Holly. (Ảnh: The Sun/News Syndication).

Michael Pritchard, Tổng giám đốc Hội nhiếp ảnh Hoàng gia bày tỏ quan điểm của mình: "Từ góc độ của một nhiếp ảnh gia và của một người không tin vào ma quỷ, tôi luôn hoài nghi về sự xuất hiện của hồn ma trong các bức ảnh... không có nhiều ma quỷ lượn lờ ở ngoài kia đâu và nguyên nhân chỉ có thể là do công nghệ chụp ảnh".

Giác quan thứ sáu và sự nhạy cảm

Nguồn gốc của việc chụp ảnh hồn ma xuất hiện từ thế kỷ 19. Trong suốt những năm 1850 và 60, nhiều nhiếp ảnh gia đã thử nghiệm những hiệu ứng mới như hình ảnh lập thể và kỹ thuật phơi sáng kép. Nhưng một vài nhiếp ảnh gia thiếu đạo đức đã nhanh chóng tìm cách khai thác những kỹ thuật này nhằm mục đích lợi nhuận.

William Mumler, một tay máy nghiệp dư người Mỹ, được xem là người đầu tiên chụp ảnh "linh hồn" từ đầu những năm 1860. Bức ảnh đầu tiên được chụp có sự xuất hiện của người em họ đã mất của Mumler làm dấy lên sự nghi ngờ, có phải hồn ma hiện hình?

Và tay máy nghiệp dư đã nhanh chóng trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – chuyên phục vụ những người có thân nhân thiệt mạng trong cuộc nội chiến Mỹ - mong muốn có được một sự kết nối siêu nhiên với người thân yêu của mình.

Nhiều chuyên gia đã nghiên cứu để tìm ra sự giả mạo trong các bức ảnh hồn ma của Mumler. Thật ra cách làm của Mumler khá đơn giản. Trước khi chụp hình, ông ta đã chèn thêm một tấm kính với ảnh của người quá cố ở phía trước và sử dụng kỹ thuật phơi sáng kép để có được 2 hình ảnh cùng lồng ghép vào nhau.

Một bức ảnh nổi tiếng khác của Mumler là bức hình bà Mary Todd Lincoln chụp cùng với hồn ma người chồng đã khuất Abraham Lincoln. Nhờ bức ảnh này mà lượng khách hàng của Mumler tăng lên chóng mặt, nhưng cũng không thiếu những người chỉ trích ông.

Một trong những người đó là Barnum, người buộc tội Mumler kiếm tiền trên nỗi đau của những gia đình bị mất người thân. Kèm theo đó là lời cáo buộc cho rằng Mumler đã đột nhập vào các gia đình để trộm ảnh của những người đã khuất. Mumler đã bị đưa ra xét xử về tội gian lận và Barnum đứng ra làm chứng chống lại ông.

Một cuộc thử nghiệm tại tòa đã chứng minh cách thức Mumler qua mặt các khách hàng của mình. Tuy tội gian lận của Mumler được xác thực nhưng cuối cùng ông cũng được tòa tha bổng. Mặc dù vậy, sự nghiệp chụp ảnh hồn ma của ông cũng đi tong.

Hồn ma Abraham Lincoln chụp cùng vợ.
Hồn ma Abraham Lincoln chụp cùng vợ. (Ảnh: Lincoln Financial Foundation Collection, Allen Country Public Library).

Vào những năm 1880, khi máy ảnh trở nên khá phổ biến trong xã hội, việc chụp ảnh hồn ma lại làm dấy lên một làn sóng mới. Một trong những bức ảnh ma nổi tiếng nhất giai đoạn đó ra đời vào năm 1891, được Sybell Corbet chụp tại một thư viện ở Combermerre Abbey, vùng Cheshire, Anh quốc.

Trong bức ảnh chụp tại thư viện này, người ta nhìn thấy hình ảnh mờ ảo của một người đàn ông đang ngồi trên ghế với phần đầu, cổ áo sơ mi và cánh tay phải. Người ta cho rằng đó là hồn ma của Lãnh chúa Combermerre - người vừa qua đời trong một tai nạn khi đang cưỡi ngựa và đang được chôn cất tại thời điểm bức ảnh được chụp.

Nhiều người phỏng đoán đó có thể là một người phục vụ vô tình bước vào phòng và ngồi nghỉ chốc lát trên chiếc ghế đó đúng lúc bức ảnh được chụp. Tuy nhiên, tất cả những người phục vụ trong tòa nhà đều khẳng định họ đều có mặt tại tang lễ lãnh chúa Combermerre thời điểm đó.

Bóng mờ ngồi trong chiếc ghế bành được tin là hồn ma của lãnh chúa Combermerre.
Bóng mờ ngồi trong chiếc ghế bành được tin là hồn ma của lãnh chúa Combermerre. (Ảnh: Sybell Corbett).

Hồi ức

Giai đoạn Thế chiến thứ Nhất, chủ nghĩa tâm linh và chụp ảnh ma đã nhận được sự ủng hộ đáng kể, bao gồm cả tiểu thuyết gia nổi tiếng Arthur Conan Doyle - một thành viên của Câu lạc bộ Hồn ma.

Chính cảm giác mất mát sau chiến tranh tại nhiều quốc gia đã khiến nhiều người mong muốn được hội ngộ với người thân đã khuất của mình. Một nhiếp ảnh gia theo đuổi việc chụp ảnh các linh hồn là William Hope.

Hope cũng bị buộc tội là sử dụng kỹ thuật phơi sáng kép để lồng ghép hai hình ảnh khác nhau để tạo ra một bức hình có sự xuất hiện của "hồn ma". Tuy nhiên, khác với Mumler, sau khi bị kết án gian lận, Hope vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình và thu hút được nhiều tín đồ cuồng nhiệt.

Hope sử dụng kỹ thuật ghép ảnh để lồng ghép hình ảnh người sống và người đã mất.
Hope sử dụng kỹ thuật ghép ảnh để lồng ghép hình ảnh người sống và người đã mất. (Ảnh: Bảo tàng Truyền thông Quốc gia).

Hơn một thập kỷ sau, vào năm 1936, nhiếp ảnh gia Captain Hubert Provand và trợ lý của mình đang đứng ở phía cuối cầu thang ở Raynham Hall, Norfolk, Anh bỗng dưng nhìn thấy "hơi nước tụ lại thành hình ảnh người phụ nữ" bước xuống cầu thang đi về phía họ.

Hình ảnh đó đã nhanh chóng được chụp lại và sau đó được đăng trên tạp chí Country Life với tựa đề "Quý bà Brown". Nhiều người cho rằng đó là hồn ma của Quý bà Dorothy Townshend thường xuyên vảng vất ở Raynham Hall kể từ sau cái chết bí hiểm năm 1726.

Vào năm 1937, một nghiên cứu chỉ ra rằng bức ảnh "Quý bà Brown" đầy bí hiểm trên chỉ đơn giản là do máy ảnh bị rung trong khoảng 6 giây khi nhiếp ảnh gia bấm máy.

Bức hình "Quý bà Brown" nổi tiếng.
Bức hình "Quý bà Brown" nổi tiếng. (Ảnh: Captain Provand).

Sự ra đời của công nghệ số

Ngày nay những chiếc máy ảnh số có khả năng tạo ra những hình ảnh giả và bức hình "Quý bà Brown" ở Hampton Court bên trên là một minh chứng cho sự "không minh bạch" của công nghệ.

Những chiếc điện thoại thông minh có thể chụp một bức ảnh giống như cách một máy scan di chuyển trên giấy. Đó là một quá trình chậm hơn, đặc biệt là ở những nơi thiếu ánh sáng và chức năng cảm ứng hình ảnh của điện thoại cần nhiều thời gian hơn để ghi lại đủ thông tin hình ảnh. Đây được gọi là "ảnh răng cưa". Điều này khiến cho bất cứ thứ gì di chuyển tại thời điểm chụp ảnh sẽ có thể bị bóp méo.

Bạn cũng có thể nhìn thấy sự tái sinh của các bức ảnh hồn ma trên các trang mạng như "Slender Man", một nhân vật hư cấu không có mắt, mũi, miệng mà mọi người hay đưa vào bức hình của mình để gây hiệu quả rùng rợn.

Nhiều người thích đưa thêm hình Splender Man vào ảnh của mình để tăng tính rùng rợn.
Nhiều người thích đưa thêm hình Splender Man vào ảnh của mình để tăng tính rùng rợn. (Ảnh: Bob Mical/Flickr/CC BY 2.0).

Cho dù nhân loại đang ngày càng được mở mang kiến thức về khoa học công nghệ, nhiều người vẫn tin rằng có thể chụp được ảnh hồn ma. Theo một cuộc thăm dò năm 2013, 42% người dân Mỹ được hỏi tin rằng có ma quỷ tồn tại; trong một cuộc điều tra tương tự khác tại Anh, 39% số người được hỏi vẫn tin rằng có ma ám trong nhà.

Cập nhật: 12/10/2016 Theo vntinnhanh
  • 34
  • 7.020