Hóa thạch mới được phát hiện thuộc loài Masillamys – một nhóm động vật gặm nhấm với răng cửa giống như chiếc đục của người thợ mộc. Đây là một trong những hóa thạch nguyên vẹn nhất từ trước tới nay mới được khai quật tại Messel Pit, một vùng khảo cổ thuộc Cộng hòa Liên bang Đức.
Mặc dù Messel ngày nay nằm cách Frankfurt khoảng 20 km về hướng đông nam, nhưng 47 triệu năm trước, vùng này từng nằm cùng vĩ độ với Sicily ngày nay. Khí hậu ẩm hơn và ấm hơn khi đó đã tạo ra đa dạng sinh học cho vùng Messel xưa kia.
Việc khai quật tiến hành thường niên của viện nghiên cứu Senckenberg, Frankfurt đã giúp khám phá ra hàng ngàn hóa thạch của các loài gặm nhấm, bò sát, côn trùng và động vật móng guốc nguyên thủy từng sống tại Messel và khu vực lân cận trong kỉ Eocene cách đây 33,9 – 55,8 triệu năm. Vào thời điểm đó, vùng đất tươi tốt ngày nay từng là một hồ núi lửa bao quanh bởi rừng rậm rạp.
Một số hóa thạch thu được hiện đang trưng bày tại bảo tàng của viện Senckenberg
(Ảnh: © Viện nghiên cứu Senckenberg) |
Năm 2007 và 2008, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hơn 6.500 hóa thạch trong đá phiến sét ở vùng Messel nước Đức, trong đó có hóa thạch của một loài động vật móng guốc mang danh pháp khoa học Kopidodon macrognathus. Các nhà nghiên cứu cho rằng hóa thạch này là một con đực còn rất trẻ, do nó có xương chỏm đầu to và răng hàm trên vẫn đang phát triển.
Dù có răng nanh dài, nhưng răng hàm phẳng, khớp háng cấu tạo đặc biệt và chi trước với khả năng nắm chặt cho thấy đây là một loài ăn quả, trèo cây chứ không phải động vật ăn thịt. Các nhà khoa học hi vọng việc phân tích vật chất còn lại bên trong dạ dày của con thú sẽ tiết lộ thêm nhiều điều về đời sống của nó xưa kia.
(Ảnh: © Viện nghiên cứu Senckenberg) |
Hóa thạch gần như nguyên vẹn của một con thằn lằn được tìm thấy ở Đức được các nhà khoa học cho là một họ hàng xa xưa của quái vật Gila. Trong khi đó, thằn lằn Gila ngày nay chỉ sống duy nhất ở các sa mạc vùng tây nam nước Mỹ và phía Bắc Mexico.
Con vật hóa thạch thuộc lớp bò sát này sống cách chúng ta 47 triệu năm, gần hồ núi lửa bao quanh bởi một vùng tự nhiên rất đa dạng sinh học. Các nhà nghiên cứu Senckenberg, Frankfurt là những người trực tiếp tiến hành khảo sát hóa thạch, họ nói rằng những ống trong răng cho thấy con vật tiền sử này đang tiết ra nọc độc trước khi chết.
(Ảnh: © Viện nghiên cứu Senckenberg) |
Ong xén lá cổ (danh pháp khoa học: Friccomelissa schopowi) là một trong số hơn 1.400 côn trùng mà các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch ở vùng Messel gần Frankfurt nước Đức trong hai năm 2007 và 2008.
Theo các nhà nghiên cứu viện Senckenberg, khác với họ hàng của nó sống ở thời hiện tại, ong Messel xưa kia dường như không xây tổ bằng các mảng lá.
(Ảnh: © Viện nghiên cứu Senckenberg) |
Đây là hóa thạch của một con Leptictidium chưa trưởng thành được tìm thấy ở Messel vào tháng 9 năm 2008. Loài động vật này là một loại thú có vú ăn thịt nhỏ với chiếc mũi dài tương tự như chuột chù voi.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ loài động vật này đi bằng hai chân hay nhảy từng bước như kangaroo, nhưng trong tương lai, qua khảo sát kĩ lưỡng, nhiều khả năng họ sẽ tìm được câu trả lời.
(Ảnh: © Viện nghiên cứu Senckenberg) |
47 triệu năm sau khi chết, loài bọ cánh cứng này vẫn khoác trên mình lớp áo lóng lánh đầy màu sắc như khi còn sống.
Cả bọ ngọc cổ đại và bọ ngọc ngày nay đều có bộ cánh óng ánh nhiều màu nhờ các lớp cơ thể bên ngoài đặc biệt có khả năng khúc xạ ánh sáng.
(Ảnh: © Viện nghiên cứu Senckenberg) |
Con kiến chúa này đã chết đuối 47 triệu năm trước khi nó bay ngang qua Messel, một hồ nước lớn sinh ra từ hoạt động núi lửa gần Frankfurt, nước Đức ngày nay.
Kiến Oecophylla ngày nay được tìm thấy ở vùng nhiệt đới châu Phi và Đông Nam Á, loài này nổi tiếng với khả năng sử dụng tơ ấu trùng để dệt tổ từ vật liệu lá cây.
(Ảnh: © Viện nghiên cứu Senckenberg) |