Học sinh lớp 10 chế tạo xà phòng diệt khuẩn từ lá trầu không

  •  
  • 2.999

Bằng cách sử dụng tinh chất trầu không, nhóm học sinh đến từ trường THPT Nhân Việt đã tạo ra một loại xà phòng có tính kháng khuẩn với nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn, thân thiện với con người và môi trường.

Hiện nay, triclosan là chất diệt khuẩn chính được sử dụng trong 70% các sản phẩm tẩy rửa trên thị trường do có tính kháng khuẩn, kháng nấm cao. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây cho thấy, triclosan có khả năng gây ra những tác động tiêu cực đến động vật, thực vật và cả con người.

Trong môi trường nước bề mặt, triclosan có thể tương tác với ánh sáng mặt trời và các vi khuẩn hình thành methyl triclosan, một chất hóa học có thể tích lũy sinh học trong động vật hoang dã và con người gây vô sinh và gián đoạn nội tiết. Trong môi trường nước máy, triclosan có thể phản ứng với clo để tạo thành một loạt các sản phẩm phụ bao gồm cả dạng chloride, một hoạt chất bị nghi ngờ gây nên bệnh ung thư.

Do đó, ngày nay, việc thay thế triclosan bằng các hoạt chất kháng khuẩn khác an toàn, thân thiện với con người và môi trường đang là vấn đề được nhiều nước và doanh nghiệp quan tâm.

Triclosan là chất diệt khuẩn chính được sử dụng trong 70% các sản phẩm tẩy rửa trên thị trường do có tính kháng khuẩn, kháng nấm cao.
Triclosan là chất diệt khuẩn chính được sử dụng trong 70% các sản phẩm tẩy rửa trên thị trường do có tính kháng khuẩn, kháng nấm cao.

Đứng trước vấn đề này, hai bạn học sinh Trần Thị Quyền Linh và Nguyễn Nhật Thành Vinh, lớp 10C1 trường THPT Nhân Việt đã tìm hiểu và nghiên cứu thành công đề tài "Ứng dụng tính kháng khuẩn của trầu không thay thế triclosan trong xà phòng rửa tay".

Theo Thành Vinh, trầu không là loại dược liệu quý, được trồng khá nhiều ở Việt Nam để chữa một số bệnh như lở loét, mụt nhọt, nhức đầu do thay đổi thời tiết, sát khuẩn vết thương... và có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, trầu không cũng có tinh dầu thơm và có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi khuẩn như: Tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, song cầu khuẩn, vi khuẩn Subtillis và trực trùng Coli. "Việc ứng dụng tính kháng khuẩn có trong dịch chiết từ lá trầu không làm xà phòng diệt khuẩn để thay thế triclosan là bước đầu có thể giúp chúng ta tiến tới một cuộc sống lành mạnh vì sức khỏe", Thành Vinh chia sẻ.

Theo đó, lá trầu sau khi được rửa sạch sẽ chia thành hai phần. Phần một đem phơi khô dưới ánh sáng tự nhiên 3 ngày rồi sấy khô ở nhiệt độ 40 độ C. Sau đó, lá trầu sẽ được xay nhuyễn và ngâm trong dung dịch ethanol, tiếp đến là trải qua quá trình lọc và cô quay để thu được cao chiết chứa tinh chất lá trầu. Phần lá tươi còn lại, sẽ được xay nhỏ và chưng cất để lấy tinh dầu.

"Trong khuôn khổ một đề tài nghiên cứu, bọn em không có điều kiện để có thể phân tích xem cách nào thì sẽ thu được tinh chất dầu hiệu quả hơn, nên bọn em sử dụng cùng lúc hai cách thu tinh dầu từ lá trầu khô và lá trầu tươi. Sau này, nếu đề tài được mở rộng, bọn em sẽ tìm ra cách tối ưu để thu được tinh dầu một cách cao nhất có thể", Quyền Linh cho biết.

Tiếp đến, phôi xà phòng sẽ được đun cách thủy, đồng thời thêm vào tinh dầu trầu không và dầu dừa với nồng độ phù hợp để cho ra sản phẩm cuối cùng.

Chia sẻ về quá trình thực hiện đề tài, Thành Vinh cho biết: "bọn em mới chỉ học lớp 10, nên kiến thức về hóa học không có nhiều. Với những vấn đề chưa hiểu, bọn em thường tìm tòi thêm thông tin trên mạng và nhờ các thầy cô giải đáp. Do học nội trú, nên chỉ cần có thời gian rảnh, là hai đứa lại tranh thủ lên phòng thí nghiệm để làm việc. Cắt lá trầu nhiều quá, nhiều lúc mắt cay xè không mở được ra luôn".

Nở nụ cười tươi, Quyền Linh chia sẻ thêm: "Do phòng thí nghiệm ở trường không đủ dụng cụ, bọn em được thầy cô giới thiệu đến phòng thí nghiệm của trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Lần đầu vô đó, tụi em bị ngợp luôn do nhiều trang thiết bị hiện đại quá. Cũng chẳng biết các dụng cụ đó phải sử dụng như thế nào. May mà cuối cùng được hướng dẫn, tụi em cũng quen dần và thực hiện xong đề tài".

Trần Thị Quyền Linh và Nguyễn Nhật Thành Vinh.
Trần Thị Quyền Linh và Nguyễn Nhật Thành Vinh với đề tài "Ứng dụng tính kháng khuẩn của trầu không thay thế triclosan trong xà phòng rửa tay".

Theo thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, hiện giá thành để làm một cục xà phòng có chứa tinh dầu trầu không (loại 50g) tại phòng thí nghiệm rơi vào khoảng 10.500 đồng. Trong khi giá thành sản phẩm xà phòng cục thông thường (loại 80g) dao động từ 8.000 đến 40.000. "Nếu sản xuất theo quy mô công nghiệp, giá thành của sản phẩm sẽ giảm đi rất nhiều. Do sử dụng hoạt chất kháng khuẩn từ nguồn gốc thiên nhiên, sản phẩm này sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe con người một cách đúng nghĩa. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ để có thể giúp thương mại hóa sản phẩm này ra ngoài thị trường".

Với những tác dụng của mình, đề tài "Ứng dụng tính kháng khuẩn của trầu không thay thế triclosan trong xà phòng rửa tay" đã xuất sắc giành nhải nhất trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học TP.HCM năm 2016.

Cập nhật: 27/01/2016 Theo khampha
  • 2.999