Julian Assange - ông là ai?

  •  
  • 2.373

Nhân vật được cả thế giới nói đến trong những ngày này là Julian Assange – một người đàn ông Australia, chủ website Wikileaks.


Julian Assange - chủ website Wikileaks.

Một số người coi ông là người chiến sĩ quả cảm đấu tranh vì tự do của thông tin. Một số người lại cho rằng ông chẳng qua là một hacker, một tên tội phạm đáng bị phỉ nhổ. Ông còn bị coi là một tên tỉnh lẻ vô vọng ôm ấp hy vọng được nổi tiếng toàn cầu. Thực ra ông là ai?

Assange sinh năm 1971 tại thành phố Townsville thuộc miền duyên hải phía bắc Australia. Tuổi thơ của Julian thật khác thường. Ngay từ khi còn bé, cậu đã buộc phải quen với cuộc sống nay đây mai đó: người bố dượng đầu tiên là chủ một gánh hát lưu động; còn người bố dượng thứ hai là thành viên một giáo phái. Mẹ của Julian phải vất vả lắm mới chạy thoát khỏi người đàn ông này.

Do thường xuyên phải di chuyển, nên Julian không được học hành đến nơi đến chốn. Cho đến năm Julian 14 tuổi thì cậu đã phải chuyển chỗ ở đến 37 lần. Cậu cũng thường xuyên phải chuyển trường. Mẹ cậu nhận trách nhiệm dạy dỗ cậu con trai, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Chính sự thiếu hụt này đã tạo cho Julian thói quen tự học. Cậu dành nhiều thời gian tại các thư viện, rất thích sách về khoa học và chẳng bao lâu sau cậu có cơ hội được ứng dụng những kiến thức tự học vào thực tế.

Chiến công” đầu tiên của Julian là bẻ khoá chương trình của chiếc máy tính Commodore 64. Cậu say mê khám phá những thông điệp mà những nhà lập trình tạo ra trong các đoạn code. “Tôi bị cuốn hút bởi sự đơn giản trong mối quan hệ tương tác với máy tính. Điều này cũng giống như chơi cờ: quy tắc chơi rất đơn giản, nhưng để giải được các nước cờ thì bao giờ cũng phức tạp” – báo New Yorker dẫn lời Assange.

Năm 16 tuổi, Assange quyết định thử làm hacker thực thụ. Chàng trai nhanh chóng được giới giang hồ ngả mũ kính chào vì khả năng bẻ khoá được đa số các hệ thống bảo vệ. Cùng một số người bạn Assange thành lập một nhóm hacker có nguyên tắc hành động rất hào hiệp: “Không gây hại đối với hệ thống máy tính mà bạn đột nhập vào. Không thay đổi thông tin lưu trữ trong hệ thống đó. Không chia sẻ thông tin với tất cả”.

Chàng trai Julian khi đó phải lòng một cô bé 16 tuổi. Họ dọn đến ở chung với nhau. Vài năm sau hai người kết hôn và có con. Cặp vợ chồng trẻ trải qua một số thời khắc phức tạp liên quan đến hoạt động không mấy hợp pháp của Julian. Có lần cảnh sát đã tịch thu toàn bộ các thiệt bị máy tính của anh, sau khi kết tội anh biển thủ tiền của Citibank. Tội này sau đó đã được minh oan. “Kể từ đó tôi hiểu rằng cần phải thận trọng hơn” – Assange kể.

Cảnh điền viên gia đình của Assange kéo dài không lâu. Năm 1991, anh đột nhập thành công vào mạng viễn thông của Công ty Nortel và sa lưới.

Assange thất bại trong việc thuyết phục ban lãnh đạo Nortel không báo cho cảnh sát, nên có thể bị bắt bất cứ lúc nào và có nguy cơ bị án phạt từ 10 năm. Vào thời điểm khó khăn đó, vợ của Assange đã quyết định chia tay với người chồng hacker. 3 năm sau, phiên toà xét xử Assange diễn ra và đưa ra phán quyết rằng hành động của anh không gây thiệt hại cho Nortel. Phiên toà kết thúc với việc Assange phải nộp tiền phạt, nhưng anh không gọi được vợ đem con trở lại.

Website WikiLeaks.org được Assange dựng lên khi đã giã từ nghiệp hacker. Mục đích của website này là đăng tải những tài liệu mật theo tinh thần mà Assange tuyên bố là “đấu tranh với bộ máy kiểm duyệt toàn thế giới”. Assange tụ tập một nhóm những người đồng quan điểm, làm việc ngày đêm để dự án ra đời. Dốc toàn tâm toàn lực vào cuộc chơi mới, Assange làm việc quên ăn quên ngủ. Anh ngồi lỳ trước máy tính, hàng tháng liền không ra khỏi phòng.

Cần ghi nhận rằng những tài liệu đầu tiên mà Wikileaks đăng tải không hề hấp dẫn quảng đại quần chúng. Trong số đó có thông tin về Alpha Sigma Tau - hội sinh viên bí mật được thành lập tại một trường đại học của Mỹ, “hiến chương” của hội Tam hoàng, điều lệ của một giáo phái đa thê. Nhưng đến năm 2007 thì Wikileaks bắt đầu xuất hiện những văn bản đầu tiên gây chấn động, mà tiêu biểu là thông tin về những vụ biển thủ tài chính của ông Daniel Arap Moi – cựu Tổng thống Kenya. Và mãi đến năm 2010, “vinh quang thực sự” mới đến với Assange sau khi Wikileaks đăng tải những tài liệu phơi bày sự thật cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq.

Theo đuổi sự nghiệp phơi bày những bí mật chính trị, ngoại giao..., bỏ sang một bên phong cách sống truyền thống, tự đặt mình và các đồng nghiệp vào vòng nguy hiểm, Assange tiếp tục đi theo những “lý tưởng” đặt ra từ thời trai trẻ tin tặc của mình. Rất khó để xác định xem ông nghiêm túc đến cỡ nào trong việc theo đuổi vinh quang, hay vinh quang tự tìm đến ông. Nhưng có điều rõ ràng là công việc của Assange đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Theo Lao động
  • 2.373