Tiết lộ mức công tác phí cho phi hành gia lên Mặt Trăng năm 1969

  •  
  • 4.773

Phi hành gia Buzz Aldrin, người đặt chân lên Mặt Trăng cùng Neil Armstrong năm 1969, tiết lộ rằng ông đã nhận được khoản công tác phí 33,31 USD từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Công tác phí cho phi hành gia lên Mặt Trăng là bao nhiêu?

Buzz Aldrin xuất phát từ quê nhà ở Houston, Texas đến căn cứ không quân Cape Kennedy bằng máy bay của chính phủ Mỹ. Sau đó, ông bay từ căn cứ lên Mặt Trăng bằng tàu vũ trụ.

Buzz Aldrin trên bề mặt Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 11.
Buzz Aldrin trên bề mặt Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 11. (Ảnh: NASA).

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Aldrin cùng các đồng nghiệp là Neil Armstrong và Michael Collins trở về trên chuyến bay khứ hồi bằng tàu Apollo. Điểm đến của hành trình là Thái Bình Dương. Tàu vũ trụ lao xuống biển và NASA sẽ đưa phi hành gia trở lại đất liền.

Theo tài liệu Aldrin công bố trên Twitter, thức ăn và nơi ở đều được chính phủ cung cấp trong nhiệm vụ tháng 7/1969. Số tiền 33,31 USD có thể được sử dụng như chi phí đi lại từ sân bay đến căn cứ Cape Kennedy. Theo tỷ giá hiện nay, nó tương đương 217 USD.

Telegraph cho hay, mảnh giấy này là một trong những kỷ vật của Aldrin trong sứ mệnh Mặt Trăng cách đây 46 năm. Ông còn công bố tờ khai hải quan có chữ ký của Armstrong và Collins khi họ cùng trở về nhà. Trong tài liệu này, họ ghi số hiệu của chuyến bay là Apollo 11, nơi khởi hành là Mặt Trăng, điền "đá và bụi Mặt Trăng" trong ô hàng hóa.

Ngày 20/7/1969, tàu vũ trụ Apollo 11 rời Trái Đất để thực hiện cuộc đổ bộ Mặt Trăng đầu tiên của con người. Hành trình khám phá cách đây 46 năm được coi là một trong những sứ mệnh lịch sử vĩ đại của thế giới.

Buzz Aldrin công bố kỷ vật trong hành trình Mặt Trăng năm 1969 trên trang Twitter cá nhân.
Buzz Aldrin công bố kỷ vật trong hành trình Mặt Trăng năm 1969 trên trang Twitter cá nhân. (Ảnh: Twitter).

"Các bữa ăn và toàn bộ thông tin được cung cấp bởi Chính phủ trong tất cả các ngày trên".
"Các bữa ăn và toàn bộ thông tin được cung cấp bởi Chính phủ trong tất cả các ngày trên".

Trong mục Điểm đến, ta có thể thấy rằng lịch trình của huyền thoại Buzz Aldrin là xuất phát từ Houston, Texas tới Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida. Và dòng bên dưới, chỉ vẻn vẹn một chữ duy nhất: "Mặt Trăng".

Sau đó Đại tá đáp xuống biển Thái Bình Dương, lên tàu sân bay USS Hornet về Hawaii, sau đó trở về Houston, Texas.

Trong mục chi tiết phí công tác, Đại tá Aldrin đã ghi rằng ông rời nhà lúc 4h45 sáng ngày 7/7/1969, lái xe 13km tới Căn cứ Không quân Ellington, trước khi lên máy bay thuộc hàng không Chính phủ tới Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida.

Vào 8:32 ngày 16/7/1969, ông lên Tàu vũ trụ Chính phủ và bay lên Mặt Trăng, đến nơi vào lúc 13:25 ngày 19/7.

Vào 24:00 ngày 21/7, ông rời Mặt Trăng trên con tàu đã đưa ông lên vệ tinh khổng lồ này của Trái Đất, trở về trên Thái Bình Dương lúc 6:00.

Sau đó, từ tàu sân bay USS Hornet, ông bay về Hawaii và về Houston trên máy bay của Không lực Hoa Kỳ.

Theo như tờ hóa đơn có ghi: "Các bữa ăn và toàn bộ thông tin được cung cấp bởi Chính phủ trong tất cả các ngày trên".

Người duyệt hóa đơn là Chỉ huy C.W.Bird, vào ngày 26/8/1969. Chút công tác phí cỏn con (31,33 USD) so với chi phí khổng lồ của toàn bộ dự án Apollo (25,4 tỷ USD, hơn 150 tỷ USD so với mệnh giá ngày nay) quả là một trời một vực.

Hành trình vòng vèo của Buzz Aldrin chỉ tiêu tốn vỏn vẹn 31,33 USD, theo như hóa đơn công tác phí đã nêu.Hành trình vòng vèo của Buzz Aldrin chỉ tiêu tốn vỏn vẹn 31,33 USD, theo như hóa đơn công tác phí đã nêu.

Apollo 11 là con tàu vũ trụ đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng. Hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã hạ cánh xuống Mặt Trăng vào 20/7/1969, vào lúc 20:18 giờ Phối hợp Quốc tế, vào 47 năm trước.

Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, sáu tiếng sau khi đáp xuống đây, lúc ấy là ngày 21/7/1969. Hai mươi phút sau, Buzz Aldrin cũng đặt chân xuống, tham gia nghiên cứu cùng người đồng nghiệp của mình.

Phi hành gia Buzz Aldrin.
Phi hành gia Buzz Aldrin.

Hai huyền thoại đã trải qua tổng cộng 2 tiếng 15 phút trên bề mặt Mặt Trăng, thu được 21,5kg vật chất để mang về Trái Đất thí nghiệm.

Thành viên thứ ba của nhiệm vụ này, ông Michael Collins điều khiển tàu vũ trụ trên quỹ đạo của Mặt Trăng, đợi cho tới khi Armstrong và Aldrin trở về và chuẩn bị hành trình quay lại Trái Đất.

Neil Armstrong bên trái - Michael Collins đứng giữa - Buzz Aldrin bên phải.
Neil Armstrong bên trái - Michael Collins đứng giữa - Buzz Aldrin bên phải.

Edwin "Buzz" Eugene Aldrin. Jr sinh ra vào ngày 20/1/1930 tại New Jersey. Ông có trong tay một bằng Cử nhân khoa học của Học viện Quân đội Mỹ và một bằng Tiến sĩ ngành Khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts.

Ông là một trong số ít những nhà phi hành gia đã từng học chuyên sâu về khoa học. Biệt danh "Buzz" là được em gái ông gọi ông với tên "buzzer" thay vì "brother". Năm 1988, ông chính thức đổi tên thành Buzz.

Ngày 11/11/1966, ông đạt được kỉ lục cho người du hành vũ trụ lâu nhất thời điểm bấy giờ, với thời gian kéo dài 5 tiếng rưỡi, trong sứ mệnh vũ trụ mang tên Gemini 12.

Ông Buzz Aldrin vẫn cố gắng thuyết phục chính phủ Mỹ tập trung vào việc lên Sao Hỏa.
Ông Buzz Aldrin vẫn cố gắng thuyết phục chính phủ Mỹ tập trung vào việc lên Sao Hỏa. Ảnh được chụp vào tháng 4 năm 2016 tại Los Angeles.

Ông đã giúp tìm ra giải pháp của nhiều vấn đề đã tồn tại trong các cuộc du hành vũ trụ khác, đặc biệt nhất là việc sử dụng tay nắm và chỗ đặt chân để tránh trường hợp quá sức.

Ngày 20/7/1969, ông trở thành người thứ hai đặt trên lên Mặt Trăng, sau phi hành gia Neil Armstrong. Từ đầu tiên được phát đi từ bề mặt Mặt Trăng xuống trái đất là bởi Aldrin, với câu nói "Va chạm nhẹ" ("Contact light") khi mà tàu vũ trụ chạm xuống bề mặt Mặt Trăng.

Ông chính thức nghỉ hưu tại NASA và Không lực Hoa Kỳ từ tháng 7 năm 1971. Sau khi về hưu, ông đã xuất bản nhiều bài báo và sách về du hành và khám phá vũ trụ, với tác phẩm mới nhất "Nhiệm vụ Hỏa Tinh: Tầm nhìn của tôi về Khám phá vũ trụ".

Cập nhật: 03/08/2016 Theo VnExpress
  • 4.773