Khám phá về một nền văn minh đã mất qua tàn tích khảo cổ

  •  
  • 398

Các dân tộc người Tartessos ở miền Nam Tây Ban Nha đã tự đốt phá những ngôi đền của chính họ và biến mất một cách đầy bí ẩn cách đây 2.500 năm.

Các nhà khảo cổ học đã lần đầu tiên khai quật được những tác phẩm điêu khắc hình người của các dân tộc người Tartessos, một nền văn minh đã mất từng phát triển mạnh mẽ ở miền Nam Tây Ban Nha khoảng 3.000 năm trước và có liên quan đến huyền thoại Atlantis. Theo các nhà nghiên cứu, những tác phẩm điêu khắc này có thể là mô tả về các vị thần và chiến binh của người Tartessos.

Việc phát hiện ra năm bức phù điêu khuôn mặt người tại địa điểm Casas del Turunũelo cổ đại của người Tartessos đã tiết lộ những chi tiết bất ngờ về xã hội thời đại đồ đồng đã biến mất một cách bí ẩn khoảng 2.500 năm trước. Mặc dù những dân tộc này đã tạo ra vô số đồ tạo tác tuyệt đẹp, nhưng những bức phù điêu này là những tác phẩm điêu khắc hình người đầu tiên được khai quật tại địa điểm này.

Tác phẩm điêu khắc này có thể là mô tả về các vị thần và chiến binh của người Tartessos
Những tác phẩm điêu khắc này có thể là mô tả về các vị thần và chiến binh của người Tartessos - (Ảnh: Samuel Sanchez)

Mô hình về công trình tôn giáo cổ của người Tartessos
Mô hình về công trình tôn giáo cổ của người Tartessos được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên.

Xương của hơn 50 con vật được cho là vật hiến tế tại địa điểm công trình tôn giáo cổ
Các nhà khảo cổ Tây Ban Nha phát hiện xương của hơn 50 con vật được cho là vật hiến tế tại địa điểm công trình tôn giáo cổ của người Tartessos.

Erika López, phát ngôn viên của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), cho biết: “Điều bất thường về phát hiện mới là những bức phù điêu tương ứng với khuôn mặt người”.

Erika López lưu ý: “Phát hiện phi thường này thể hiện sự thay đổi mô hình sâu sắc trong cách giải thích về người Tartessos, theo truyền thống nền văn hóa của người Tartessos được coi là mang tính biểu tượng và mô tả thần linh thông qua các họa tiết động vật hoặc thực vật, hoặc thông qua betilos (đá thiêng)”.

Những khuôn mặt người có niên đại từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, ở giai đoạn cuối của nền văn minh kéo dài hàng thế kỷ này đã làm say mê cả các học giả cổ đại và hiện đại. Theo một nhóm do Esther Rodríguez González và Sebastían Celestino Pérez thuộc Viện Khảo cổ học của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha, hai trong số những bức phù điêu được bảo quản tốt nhất dường như mô tả những người phụ nữ có thể từng là nữ thần trong đền thờ thần linh của người Tartessos.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nhân vật trong chiếc phù điêu thứ ba được trang trí bằng mũ bảo hiểm có thể là một chiến binh Tartessos. Cặp phù điêu còn lại được bảo quản kém hơn, có thể là mô tả về những vị thần đang trông chừng chiến binh, và là một phần của khung cảnh điêu khắc lớn hơn.

Các bức phù điêu của con người được tìm thấy trong một ngôi đền cổ bằng gạch nung chứa đầy xương của những con vật đã bị giết, ăn thịt và chôn trong một cái hố trong một cuộc hiến tế hàng loạt. Vì một lý do nào đó không rõ, địa điểm này sau đó đã bị cố ý niêm phong và đốt cháy thành tro trong một nghi lễ của người Tartessos, vì các địa điểm Cancho Roano và La Mata của người Tartessos gần đó cũng bị đốt cháy theo cách tương tự.

Hiện vật bị chôn vùi trong đống đổ nát của những ngôi đền này mang đến cái nhìn thoáng qua về một nền văn hóa đã tuyệt diệt, vốn được biết đến với ngôn ngữ viết độc đáo và tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại tuyệt đẹp. Người Tartessos có khả năng là hậu duệ của cả hai nhóm Paleo-Hispanic và Phoenicia ở Tây Địa Trung Hải và trở nên nổi tiếng với những đồ tạo tác phức tạp được chế tác từ vàng, bạc, đồng, đồng, thiếc và các kim loại khác được khai thác từ khu vực.

Mặc dù người Tartessos phát triển mạnh ở miền Nam Iberia trong nhiều thế kỷ, nhưng nền văn hóa phong phú này dường như đã biến mất khỏi hành tinh không lâu sau khi Casas del Turunũelo bị thiêu rụi. Một số chuyên gia đã suy đoán rằng, sự sụp đổ trong ngành khai thác mỏ và kim loại đã giáng một đòn chí tử về kinh tế vào Tartessos.


Khu vực phát hiện ra các di chỉ của các tộc người Tartessos ở miền Nam Tây Ban Nha.

Các học giả khác cho rằng động đất và sóng thần đã gây ra lũ lụt trên diện rộng và gây thiệt hại cho các khu định cư của người Tartessos khiến cho nền văn minh này không bao giờ vực dậy được. Giả thuyết này giải thích tại sao một số nhà nghiên cứu cho rằng Tartessos có thể là nguồn gốc của truyền thuyết về Atlantis, mặc dù những người khác trong cộng đồng học thuật đã gọi những tuyên bố này là “ảo tưởng” và “hoàn toàn điên rồ”.

Casas del Turunũelo được phát hiện rất gần đây, vào năm 2015. Các nhà khảo cổ học vẫn chỉ mới bắt đầu công cuộc khai quật địa điểm hấp dẫn này. Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha hy vọng rằng việc khai quật ngôi đền cổ trong tương lai sẽ tiết lộ những hiểu biết mới về các dân tộc Tartessos, văn hóa của họ và sự biến mất kỳ lạ của họ.

“Những phát hiện này càng ảnh hưởng đến cả tầm quan trọng của địa điểm và tầm quan trọng của nền văn hóa Tartessos ở thung lũng Guadiana trong những giây phút cuối cùng của nó”, Erika López cho biết trong tuyên bố.

Cập nhật: 26/04/2023 Báo Công Luận
  • 398