Khủng long cũng di cư

  •  
  • 1.952

Nghiên cứu mới của các chuyên gia Mỹ cho thấy, các con khủng long cổ dài ăn cỏ thực hiện những cuộc di cư hằng năm đến vùng đất cao để tránh hạn hán.

Bằng cách phân tích răng hóa thạch của khủng long, các nhà khoa học xác định các con sauropod đã đi hàng trăm km từ nơi chúng ở để tìm thức ăn và nước uống trong những đợt khô hạn. Đây là bằng chứng trực tiếp đầu tiên hậu thuẫn cho giả thuyết rằng một số loài khủng long nhất định đã di cư để tránh lâm cảnh đói khát.

“Khủng long cổ dài ở miền tây Bắc Mỹ sống trong một môi trường khô hạn theo mùa, tức có một mùa khô và một mùa mưa rõ rệt. Nếu bạn có một con vật cần ăn và uống nhiều, nó sẽ phải di chuyển để tìm cây cỏ và nước uống”, chuyên gia địa hóa học Henry Fricke thuộc ĐH Colorado và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Một bộ xương khủng long Camarasaurus
Một bộ xương khủng long Camarasaurus 

Cứ mỗi 5-6 tháng trong đời một con khủng long, chúng thường mất răng và mọc răng mới. Răng mới chứa đựng những thành phần mà các con khủng long hấp thu từ thực phẩm và nước, và những thành phần này thay đổi theo địa điểm.

Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào những chất đồng vị ô-xy-18 trong men lấy từ 32 chiếc răng của Camarasaurus, loài khủng long “ăn chay” thuộc cuối kỷ Jura cách đây khoảng 150 triệu năm. Những chiếc răng này được tìm thấy tại bãi đá trầm tích Morrison ở bang Wyoming và Utah của Mỹ.

Các chuyên gia phát hiện tỷ lệ đồng vị ô-xy-18 trong men răng Camarasaurus thấp hơn so với tỷ lệ tương ứng trong các mẫu đất được lấy từ bãi đá Morrison. Điều này đồng nghĩa với việc loài khủng long này có thể đã đi đến những vùng đất cao hơn, vốn thường có mức đồng vị ô-xy-18 thấp hơn, trong quá trình mọc những chiếc răng này.

Ông Fricke và các cộng sự tin rằng những con Camarasaurus vùng Morrison đã di chuyển hơn 600 km từ khu vực Morrison đến vùng cao nguyên ở phía tây và quay trở lại “nguyên quán” trong khuôn khổ một cuộc di cư theo mùa.

Sự di cư đến khu vực cao nguyên mát mẻ và ẩm ướt hơn của loài khủng long đã được giới nghiên cứu đặt vấn đề từ lâu nhưng không có bằng chứng chắc chắn để hậu thuẫn giả thuyết này. Vì thế, phát hiện của chuyên gia Fricke và các cộng sự có thể được xem như bằng chứng chắc chắn đầu tiên khẳng định khủng long cũng có tập quán di cư như chim và một số loài động vật khác.

Hiện các nhà khoa học đang tìm kiếm bằng chứng để xác định liệu các loài khủng long ăn thịt có theo chân những đồng loại “ăn chay” trong cuộc di cư theo mùa hay không.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Nature số mới nhất.

Theo Thanh Niên
  • 1.952