Loại "gạch làm từ vi khuẩn" giúp xây nhà trên sao Hỏa

  •  
  • 71

Nhóm nhà khoa học Ấn Độ kết hợp đất sao Hỏa mô phỏng, vi khuẩn và các vật liệu khác để tạo ra loại gạch bền chắc, ít lỗ rỗng.

Các nhà khoa học tại Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đề xuất phương pháp mới để xây nhà trên sao Hỏa, đó là sử dụng "gạch vi khuẩn". Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí PLoS One hôm 14/4, nhóm chuyên gia trình bày kế hoạch kết hợp đất sao Hỏa với guar gum (vật liệu giống gel), ure, nickel chloride và vi khuẩn Sporosarcina pasteurii.

Những viên gạch vi khuẩn do ISRO phát triển để xây nhà trên sao Hỏa.
Những viên gạch vi khuẩn do ISRO phát triển để xây nhà trên sao Hỏa. (Ảnh: Twitter/IISCBangalore)

Đây không phải là đề xuất kỳ lạ đầu tiên về vật liệu xây dựng trên sao Hỏa, phản ánh sự khan hiếm vật liệu của các nhiệm vụ sao Hỏa tương lai, đồng thời cho thấy nhu cầu tận dụng tối đa mọi tài nguyên sẵn có. Năm ngoái, nhóm chuyên gia tại Đại học Manchester thậm chí đề xuất xây khu định cư trên sao Hỏa bằng máu và nước tiểu của phi hành gia.

Trong thí nghiệm mới, nhóm nhà khoa học ISRO sử dụng vật liệu mô phỏng đất sao Hỏa và chứng minh rằng vi khuẩn đã biến đổi ure thành các tinh thể canxi carbonate, đồng thời tiết ra một chất polymer sinh học tương đối dính. Nickel chloride giúp vi khuẩn sinh trưởng dù đất sao Hỏa có hàm lượng sắt cao, thường gây hại cho vi khuẩn.

Sporosarcina pasteurii cũng cho phép nhóm nghiên cứu giải quyết vấn đề về độ xốp, một trong những trở ngại chính khi xây khu định cư trên sao Hỏa. "Vi khuẩn xâm nhập sâu vào những lỗ rỗng, sử dụng chính protein của chúng để liên kết các hạt vật chất với nhau, làm giảm độ xốp và tạo nên những viên gạch bền chắc hơn", Aloke Kumar, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.

Vật liệu mới có thể sử dụng như một chất gắn kết đất sao Hỏa và xây công trình cho các nhiệm vụ đến hành tinh đỏ trong tương lai. Hiện tại, NASA lên kế hoạch đưa người lên sao Hỏa khoảng những năm 2030. SpaceX cũng đang nỗ lực phát triển phương tiện phóng tái sử dụng Starship, dự định phóng lên Mặt Trăng, tiếp theo là sao Hỏa.

Nhóm chuyên gia ISRO đặt mục tiêu phóng những viên gạch vi khuẩn lên không gian theo một nhiệm vụ của ISRO trong tương lai. Bằng cách này, họ có thể nghiên cứu các đặc tính của vật liệu mới trong môi trường vi trọng lực, sau đó đánh giá xem nó có phù hợp để trải qua hành trình dài cùng các phi hành gia tới sao Hỏa hay không.

Cập nhật: 25/04/2022 Theo VnExpress
  • 71