Nghiên cứu sức mạnh răng nanh loài linh trưởng

  •  
  • 1.524

Công việc đo đạc và kiểm tra răng của các loài linh trưởng sống có thể mở ra cánh cửa sổ tìm hiểu hành vi tổ tiên sớm nhất của loài người, dựa trên tàn tích hóa thạch của họ.

Công trình nghiên cứu do Quỹ khoa học quốc gia tài trợ và do nhà nhân chủng học Michael Plavcan, ĐH Arkansas dẫn đầu, đã mang chúng ta đến gần hơn với hiểu biết về mối quan hệ giữa răng nanh, cỡ người và đời sống của các loài linh trưởng.

Trong một bài báo đăng tải trên tờ American Journal of Physical Anthropology, Plavcan và đồng sự Christopher B. Ruff, Trường Y khoa John Hopkins, đã trình bày quá trình kiểm tra sơ bộ chức năng của hình dạng răng nanh đối với loài linh trưởng. Đây là bài phân tích so sánh được đăng tải lần đầu tiên về sức mạnh răng nanh của các loài linh trưởng.

Hiểu biết thêm về chức năng của răng nanh có thể dẫn đến các mô hình mới giúp hiểu được sự tiến hóa của loài người. Plavcan đã nghiên cứu răng và sọ linh trưởng trong 24 năm và dành 4 năm để thu thập dữ liệu nha khoa cho phân tích này.

Các nhà nghiên cứu so sánh kích cỡ, hình dạng và sức mạnh của răng nanh từ 144 loài linh trưởng có cùng các thông số thuộc 45 loài ăn thịt. Họ kiểm tra mối liên hệ giữa kích cỡ răng nanh linh trưởng với kích cỡ cơ thể và sức mạnh tương ứng của răng. Sự so sánh này có thể giúp trả lời các tính toán về chức năng của răng nanh linh trưởng đực trong quá trình cạnh tranh với con cái. Răng nanh được dùng làm vũ khí hay chỉ để trưng bày?

“Lý do chúng tôi muốn sử dụng răng của loài ăn thịt là vì chúng tôi biết loài ăn thịt sử dụng răng nanh để giết con mồi. Nếu răng nanh của linh trưởng yếu đến mức không làm vũ khí được, thì rõ ràng chúng chỉ để làm cảnh.”

(Ảnh: H.Sleinberg)


Đối với vượn người, răng nanh của con đực có tiếng là dài gấp 4 lần con cái. Các nhà nghiên cứu đã so sánh răng nanh của loài linh trưởng đực và cái.

Plavcan cho biết: “Nếu răng nanh của con đực mạnh hơn của con cái thì điều đó có nghĩa là có sự chọn lọc giới tính đối với sức mạnh và răng thực sự được dùng làm vũ khí. Răng nanh của con cái ngắn hơn, mà những vật ngắn và to thì khó gãy vỡ hơn. Vì vậy, nếu răng nanh dài, mỏng của con đực cũng mạnh hoặc mạnh hơn của con cái, điều đó cũng cho thấy chúng có thể được dùng để chiến đấu.”

Kết quả không rõ ràng nhưng khá thú vị.

Chúng tôi phát hiện rằng răng nanh loài linh trưởng thường cũng mạnh bằng hoặc hơn của loài thú ăn thịt. Nhưng chúng không liên quan đến phán đoán về chọn lọc giới tính.”


Nhìn chung răng nanh của con cái và đực khỏe tương đương nhau. Biết rằng loài linh trưởng nói chung có răng khỏe, các nhà nghiên cứu đưa ra 2 lời giải thích khả dĩ. Có thể là tất cả con linh trưởng đực có răng khỏe vì thành công sinh sản của chúng bị đe dọa khi răng nanh bị gãy. Hoặc có thể là răng khỏe là do cấu tạo di truyền.

Hominid (vượn nhân hình), họ linh trưởng sinh ra con người ngày nay, giữ lại tính lưỡng hình giới tính trọng lượng cơ thể, tức giống đực thường có trọng lượng cơ thể lớn hơn giống cái. Cùng lúc đó, sự khác biệt kích cỡ răng nanh của giống đực và cái bị mất đi.

Plavcan giải thích “Điều này quay ngược trở lại với vượn nhân hình cổ xưa nhất. Thực ra, một trong những đặc điểm dự đoán của quá trình tiến hóa vượn nhân hình là giảm tính lưỡng hình cỡ răng nanh trong khi vẫn giữ lại lưỡng hình trọng lượng cơ thể.

Ví dụ, gorilla có răng to, ngắn và chắc tương ứng với cơ thể đồ sộ. Để có được tỉ lệ như các loài linh trưởng khác, răng nanh của con gorilla đực sẽ phải dài 25cm, và các răng ở hàm sẽ trở nên quá rộng so với hàm của nó.

Điều này cho thấy có thể có giới hạn đối với răng nanh linh trưởng đơn giản là vì sự gò ép không gian để những răng này khít vào hàm.

Sự khác biệt trong kích cỡ cơ thể giữa vượn nhân hình đực và cái đã là đề tài nghiên cứu từ lâu vì nó là một đặc điểm rõ ràng và quan trọng. Nhưng cũng tồn tại những điểm hạn chế của việc sử dụng kích cỡ cơ thể để hiểu được sự chọn lọc giới tính. Sự thay đổi cỡ người có thể ảnh hưởng nhiều mặt khác trong cuộc sống, bao gồm quá trình trao đổi chất, tập quán tiêu thụ thức ăn và nguy cơ bị thú săn mồi tấn công. Tuy nhiên, răng nanh lại là một hệ thống đơn giản hơn nhiều.

“Với răng nanh, chúng ta có thể dựng nên một thí nghiệm cho phép chúng ta điều khiển tất cả những biến số trên và tập trung vào một điều. Hiện tượng tương tự xảy ra với răng nanh, chúng ta có thể suy diễn ra trọng lượng cơ thể và mô hình hành vi cho dữ liệu hóa thạch.”

Tuệ Minh (Theo PhysOrg)
  • 1.524