Người đàn ông trồng cây suốt 40 năm và kết quả bất ngờ đến không tưởng

  •   4,49
  • 9.312

Jadav đã đến gặp những vị già làng và hỏi có cách nào để cứu những động vật đáng thương kia khỏi chết chóc hay không và nhận được lời khuyên nên trồng những cây cao như tre bởi bóng mát của những cây tre cao sẽ giúp cho khu vực này luôn mát mẻ. Vậy là Jadav bắt đầu trồng cây.

Mỗi ngày, chúng ta nghe về sự thay đổi của Trái đất, từ băng tan cho đến sương mù dày đặc ở Los Angeles. Có người biết phải hành động để thay đổi tích cực cho Trái đất nhưng lại không biết phải làm gì, có người lại rất thờ ơ, xem đó không phải là việc của mình, khi nào ngôi nhà họ cư trú bị hủy hoại, lúc đó họ mới hối hả tìm cách sửa chữa.

Thế nhưng Jadav Payeng (sinh năm 1963) lại không phải là người như thế. Ông sống ở đảo Majuli, bang Assam, Ấn Độ và lần đầu tiên ông có hành động để thay đổi môi trường sống của chính mình, của mọi người đã bắt đầu từ 38 năm về trước. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi đến bất ngờ.

Jadav Payeng.
Jadav Payeng. (Ảnh: Internet).

Sự cảm thương cho những con rắn chết vì nắng nóng

Vào năm 1979, Jadav đi dọc theo dải cát của sông Brahmaputra sau một trận lụt đã tìm thấy rất nhiều rắn bị đánh dạt vào bờ. Thế nhưng, vài ngày sau, những con rắn ấy đã chết trên cát vì nắng nóng quá gay gắt. Jadav khi đó mới 16 tuổi cảm nhận: "Đó là một cảnh tượng rất khủng khiếp". Lúc ấy, Jadav gặp những người bảo vệ rừng đề nghị giúp đỡ trồng cây nhưng họ lại bảo Jadav hãy tự đi mà làm.

Không chỉ thế, hòn đảo Majuli - nơi Jadav sinh sống - còn đối mặt với một vấn nạn khác đó là xói mòn. Ở giữa thế kỷ 19, nơi này rộng 480 dặm vuông nhưng đến ngày nay, nơi này chỉ còn khoảng 135 dặm vuông mà thôi, ít hơn 1/3 so với diện tích trước đó. Các nhà khoa học dự đoán rằng hòn đảo có thể sẽ biến mất vào 20 năm tới. Không muốn tiên lượng ấy thành sự thật, cũng như muốn những động vật hoang dã như voi, tê giác, hươu, hổ đã từng gọi Majuli là nhà vẫn sẽ được mái nhà để trú ngụ, Jadav bắt tay vào hành động.

Jadav đã đến gặp những vị già làng và hỏi có cách nào để cứu những động vật đáng thương kia khỏi chết chóc hay không và nhận được lời khuyên nên trồng những cây cao như tre bởi bóng mát của những cây tre cao sẽ giúp cho khu vực này luôn mát mẻ.

50 cây đầu tiên và thành quả gần 40 năm sau

Vậy là Jadav bắt đầu trồng cây. Lần đầu tiên, Jadav đã trồng 50 cây non được các già làng tặng. Nhưng Jadav không dừng lại mà trồng ngày một nhiều hơn. Ngoài tre, Jadav còn trồng cả cây dừa bởi theo anh: “Cây dừa sẽ rất thẳng, sẽ ngăn được xói mòn nếu được trồng đủ. Vì thế, nó sẽ giúp bảo vệ đất, thúc đẩy kinh tế và chống lại sự thay đổi của khí hậu”.

Jadav bắt đầu trồng cây từ năm 16 tuổi.
Jadav bắt đầu trồng cây từ năm 16 tuổi. (Ảnh: carlobevilacqua).

Jadav cần mẫn một mình trồng cây mà không cần bất cứ sự giúp đỡ của ai
Jadav cần mẫn một mình trồng cây mà không cần bất cứ sự giúp đỡ của ai, không cần ai chú ý, khen ngợi. (Ảnh: Internet).

Ngày tháng trôi qua và Jadav vẫn cần mẫn một mình trồng cây mà không cần bất cứ sự giúp đỡ của ai, không cần ai chú ý, khen ngợi. Có lẽ Jadav không thể ngờ rằng từ 50 gốc cây non đầu tiên mình trồng cho đến gần 40 năm sau, nơi này đã trở thành một khu rừng cực kì rậm rạp. Khu rừng được đặt tên Molai Kathoni (Molai là biệt danh của Jadav, còn kathoni có nghĩa là rừng trong tiếng Assam). Mật độ cây cối dày đặc trong rừng Molai Kathoni khiến nhiều người không thể tin rằng nơi này được trồng bởi con người.

Palash Ranjan Goswami - Tổng thư ký tổ chức phi chính phủ Seven Look ở đông bắc Ấn Độ cho biết: “Jadav Payeng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái của Assam và đông bắc Ấn Độ. Những việc làm của ông ấy thúc đẩy những thế hệ sau làm nhiều thứ vì Mẹ thiên nhiên”.

Khu rừng có rất nhiều thực vật khác nhau như cây dừa, dâu da, cây hồng quân, cây lõi thọ, gỗ tếch, mít, xoài… cùng các động vật như cọp, tê giác, thỏ, hươu, sào mãnh và rất nhiều loại chim khác.

Molai Kathoni còn là ngôi nhà của nhiều động vật hoang dã.
Molai Kathoni còn là ngôi nhà của nhiều động vật hoang dã. (Ảnh: Internet).

Được biết, Jadav hiện đang sống ở ngôi làng gần Kokilamukh cùng vợ và 3 con. Ông nuôi 50 con trâu, bò để lấy sữa bán kiếm kế sinh nhai. Một ngày của ông bắt đầu trước khi bình minh ló dạng bằng việc vắt sữa, chăm sóc đàn trâu, bò. Đến giữa trưa, ông mới bắt đầu đến khu rừng Molai Kathoni - nơi ông đã cần mẫn vun trồng từ 40 năm trước. Sau khi đạp xe gần 2 cây số để đến được Kartik Chapori, ông Jadav lại lên thuyền qua sông, rồi lại đạp xe thêm hơn 4 cây số nữa mới đến được khu rừng.

Mỗi ngày Jadav đều đặn đạp xe, qua sông, rồi lại đạp xe để trông coi rừng, tưới nước cho rừng. Để tưới nước cả cánh rừng ấy không phải là chuyện dễ dàng và Jadav đã nảy ra một sáng kiến: “Tôi mua nhiều chậu lớn có thể chứa khoảng 5 lít nước, đục lỗ nhỏ ở dưới đáy, nhét chặt cỏ khô vào và đổ nước lên trên, rồi đặt lên những cây non đang phát triển”. Điều này sẽ giúp nước chảy nhỏ giọt, có thể tưới được gần 5,6km2 rừng mỗi ngày.

“Chặt đầu tôi trước khi đốn ngã những cái cây của tôi”

Một mình gây dựng nên cả khu rừng chắc chắn là một việc không hề dễ dàng thế nhưng việc gây trở ngại nhất, khiến Jadav mệt mỏi nhất không phải từ thiên nhiên mà bởi con người. “Khi những cái cây trở nên to hơn, rất khó để tôi bảo vệ chúng. Mối đe dọa lớn nhất là con người. Họ sẽ phá rừng vì lợi ích kinh tế”, Jadav cho biết.

Đã từng có khoảng thời gian, ông liều mình, chấp nhận mọi hiểm nguy để bảo vệ được khu rừng. Đó là vào khoảng năm 2008, một đàn voi rừng đã phá hủy rất nhiều ngôi nhà ở một ngôi làng. Khi các cư dân trong làng biết được khu rừng Jadav trồng là nơi trú ẩn của đàn voi, họ lập tức muốn phá rừng. Jadav tuyên bố mạnh mẽ: “Chặt đầu tôi trước khi đốn ngã những cái cây của tôi” và khẳng định cây cối luôn giúp đỡ con người, chúng cần được bảo vệ để bảo tồn thiên nhiên.

Ông Goswami của tổ chức Seven Look cho biết, tổ chức của ông đã tiến hành giúp các cư dân hiểu được nỗ lực của Jadav. “Chúng tôi cố gắng giúp mọi người hiểu về tầm quan trọng của rừng Molai Kathoni để họ hợp tác và giúp đỡ Jadav”, ông chia sẻ.

Không phụ lòng của Jadav, khu rừng ngày càng phát triển tốt và đến năm 2013, khu rừng đạt diện tích gần 5,6km2. Để so sánh, bạn có thể liên tưởng đến Central Park nổi tiếng của thành phố New York, nơi này chỉ rộng 3,4km2. Rất nhiều cây!

Khu rừng đạt diện tích gần 5,6km2.
Khu rừng đạt diện tích gần 5,6km2. (Ảnh: Internet).

"Chặt đầu tôi trước khi đốn ngã những cái cây của tôi".
"Chặt đầu tôi trước khi đốn ngã những cái cây của tôi". (Ảnh: Internet).

Gã trồng rừng vô danh và tiếng tăm vang dội khắp thế giới

Từ một chàng trai học hết lớp 10, ngày ngày cần mẫn với công việc trồng và chăm sóc rừng cây, Jadav giờ đây đã được cả thế giới biết đến. Nhà báo địa phương đồng thời là phóng viên ảnh Jitu Kalita là người tình cờ đã phát hiện Jadav trong rừng và đưa ông đến với sự vinh danh của thế giới. Anh đã viết một bài báo về Jadav, đăng trên tờ báo địa phương vào năm 2010. Cho đến 2 năm sau, Jadav được rất nhiều người biết đến với tên gọi “người đàn ông trồng rừng của Ấn Độ”.

Năm 2013, William Douglas McMaster hoàn thành phim tài liệu ngắn về công việc của Jadav mang tên Forest Man. Bộ phim đã giành giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes vào năm 2014. Một năm sau đó, Jadav được trao tặng Padma Shri - giải thưởng dân sự cao thứ tư do chính phủ Ấn Độ trao tặng.

Jadav được trao tặng Padma Shri - giải thưởng dân sự cao thứ tư do chính phủ Ấn Độ trao tặng.
Jadav được trao tặng Padma Shri - giải thưởng dân sự cao thứ tư do chính phủ Ấn Độ trao tặng. (Ảnh: Internet).

Dù danh tiếng của mình đã nổi khắp cả nước và cả thế giới nhưng Jadav dường như vẫn không quan tâm lắm. Ông nói rằng đó là nhiệm vụ của ông. Hiện tại, Jadav đã nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài, ông đã thuê thêm 4 người để cùng mình trồng rừng.

Cập nhật: 16/09/2017 Theo Thời Đại
  • 4,49
  • 9.312