Nhà khoa học Việt lấy độc trị độc

  •   52
  • 409

Đây là nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam về tác dụng kháng viêm, giảm đau của nọc ong trên động vật thực nghiệm.

Năm 2010, trong một lần tham gia nghiên cứu về keo ong tại các trang trại nuôi ong ở Nhật, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Bộ môn Hóa dược - Trưởng Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM, tình cờ biết đến nọc ong. Từ đó, chị và các cộng sự của mình bắt đầu nghiên cứu sâu về quy trình chiết xuất nọc ong và thực hiện đề tài nghiên cứu “Xây dựng quy trình chiết xuất nọc ong và đánh giá tác dụng dược lý theo hướng sử dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp”. Đề tài này mới đây đã đạt giải nhì trong số 44 Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019.

Theo nhóm nghiên cứu, từ xa xưa, nọc ong (apis mellifera) đã được sử dụng trong các bài thuốc dân gian để trị một số bệnh, nhiều nhất là đau thấp khớp. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy nọc ong có khả năng kháng viêm, giảm đau bởi vì thành phần của nọc ong có chứa các enzyme, peptide và amin.

Trên thế giới cũng đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy ngoài việc điều trị bệnh viêm khớp hiệu quả, nọc ong còn có tác dụng chữa trị một số căn bệnh khác như giảm đau, ung thư, cao huyết áp, hen suyễn, cai nghiện thuốc lá, ma tuý, làm đẹp da, chống lão hóa…

Hiện nay, các trang trại nuôi ong trên thế giới thường kết hợp nuôi ong lấy mật và chiết xuất nọc ong để làm thuốc hoặc mỹ phẩm, trong khi ở nước ta thì chỉ nuôi ong lấy mật, không tận thu được nguồn nọc ong giá trị này. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng quy trình chiết xuất, đánh giá và phân tích chất lượng nọc ong từ loài ong mật nuôi phổ biến ở Việt Nam là Apis mellifera.

Thành công bước đầu, nhóm nghiên cứu mạnh dạn trình bày đề tài lên Sở KH&CN TP.HCM và được phê duyệt. Sau đó, nhóm đã hợp tác với Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM để triển khai đề tài với mục tiêu sản xuất thuốc tiêm.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai. (Ảnh: ĐH Quốc gia TP.HCM).

Nọc ong được chiết xuất bằng thiết bị thu thập nọc ong BVC 0412 dựa trên nguyên tắc sốc điện bằng dòng điện một chiều tích dưới dạng tụ điện trên dây điện trần, bộ phận thu nọc là một tấm kính nhẵn. Các dây điện trần vừa có nhiệm vụ sốc điện, vừa là nơi để ong bám vào, thu mình để tiết nọc. Tấm kính có nhiệm vụ vừa thu lấy nọc ong, vừa đảm bảo ong không bị mất kim sau khi tiết nọc. Sau đó rút tấm kính ra, sẽ thấy các tinh thể trắng trên tấm kiếng. Dùng dao có độ bén, mỏng để cạo lấy phần tinh thể này sẽ thu được nọc ong thô. Nọc ong thô sau khi thu gom từ trang trại được hòa tan vào nước cất, lắc mạnh trong 30 phút (300 vòng/phút). Lọc dung dịch qua phểu lọc bằng màng lọc cellulose với kích thước lỗ 20 µm. Dung dịch sau lọc được thực hiện đông cô tại nhiệt độ < - 40oC.

Nọc ong sau khi đông cô có dạng bột mịn, rất nhẹ nên khi tiến hành đông cô cần sử dụng màng che phủ có lỗ rỗng trên miệng bình chứa. Mẫu nọc ong sau khi làm sạch có dạng rắn, màu trắng, được bảo quản tối, nhiệt độ -4oC. Hiệu suất quá trình tinh chế là 93,59%. Nọc ong sau khi làm tinh chế được thực hiện sắc kí bản mỏng so sánh chất lượng với nọc ong chuẩn, kết quả cho thấy có sự tương đồng các thành phần chính giữa nọc ong tinh chế và nọc ong chuẩn.

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy hàm lượng các thành phần chính trong nọc ong chiết xuất được tương tự như nọc ong chuẩn của hãng Sigma-Aldrich và các nước trên thế giới. Các nghiên cứu đánh giá độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của nọc ong trên động vật thực nghiệm cùng với nghiên cứu đánh giá tác dụng chống viêm khớp, giảm đau của nọc ong trên động vật thực nghiệm cũng được nhóm thực hiện. Theo đó, nọc ong với liều dùng 1.0 và 1.5 mg kg-1 có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giảm nhiệt độ tại chỗ bàn chân chuột, giảm nhẹ lượng bạch cầu và hồng cầu trong máu ngoại vi trong thời gian 21 ngày sau khi gây viêm. Ngoài ra, tác dụng của nọc ong liều 1.5 mg kg-1 tượng tự như mobic liều 1.0 mg kg-1 trên chuột.

Nghiên cứu còn bổ sung đầy đủ cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo để đưa nọc ong ứng dụng trong lĩnh vực dược phẩm hoặc mỹ phẩm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, tùy loại bệnh và người bệnh (qua thăm khám, xét nghiệm chặt chẽ) mà dùng hỗn hợp liều lượng nhất định đơn vị ong (Apitoxin: Unité d’ apitoxine theo Ioirich, 1ml = 5 đơn vị) với novocain hoặc vitamin C phối hợp novocain để thủy châm trên các huyệt chỉ định thuộc kinh mạch (không phải đau đâu châm đó). Nghiên cứu đã thực hiện trên 156 người bệnh (được chữa trong bốn năm) cho thấy: người bệnh thấp khớp đỡ đau, đỡ sưng nhiều; bệnh hen ít lên cơn, hạ cơn, hoặc cơn nhẹ; thần kinh ngoại biên đã bị tê đau liệt có thể hồi phục công năng; huyết áp không dao động; người bệnh đỡ đau đầu, ngủ tốt...

PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai và các cộng sự.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai và các cộng sự.

Hiện nhóm đang nghiên cứu bào chế, đánh giá tác dụng chống viêm giảm đau của thuốc thủy châm (tiêm vào huyệt) và cao xoa ngoài chiết xuất từ nọc ong trên thực nghiệm và trên bệnh nhân đau lưng, viêm quanh khớp vai và thoái hóa khớp gối để phát triển thuốc điều trị bệnh viêm khớp từ nọc ong, vốn đã và đang được sử dụng trong dân gian nhưng chưa có cơ sở khoa học. Đây là nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam về quy trình chiết xuất, tinh chế, phân tích thành phần, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cơ sở của nọc ong cũng như đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và tác dụng kháng viêm, giảm đau của nọc ong trên động vật thực nghiệm.

"Trên thế giới, quy trình để tạo ra một loại thuốc mới mất 10-20 năm. Do đó, chúng tôi vẫn trên đường nghiên cứu, xây dựng quy trình bào chế thuốc, liều lượng, bảo quản và đánh giá. Ngoài sự ủng hộ từ ĐHQG-HCM, Sở KH&CN TP.HCM, nhóm đang tìm kiếm sự đầu tư từ doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm. Chúng tôi chia qua trình ra nhiều giai đoạn nhỏ, hoàn thành từng giai đoạn và đến giai đoạn cuối thì đề nghị doanh nghiệp tham gia", PGS Mai chia sẻ.

Cập nhật: 30/12/2019 Theo khampha
  • 52
  • 409