Những công trình làm thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô

  •  
  • 88

Sau 70 năm giải phóng, Hà Nội xây dựng được sân bay Nội Bài, hai tuyến đường sắt đô thị, nhiều tuyến vành đai, trục hướng tâm và cao tốc kết nối với tỉnh lân cận.

Đại lộ Thăng Long
Đại lộ Thăng Long
được thông xe tháng 10/2010, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là trục hướng tâm nối trung tâm Thủ đô với các quận, huyện phía tây. Tuyến đường dài 29 km, gồm hai dải đường cao tốc và hai dải đường gom. Trên dải cao tốc, mỗi chiều có hai làn cho phép tốc độ tối đa 100 km/h, một làn tốc độ 80 km/h và làn dừng khẩn cấp. Dải đường gom mỗi chiều có hai làn đường hỗn hợp với tốc độ tối đa 50 km/h. Ảnh chụp ở đầu đại lộ, đoạn qua Trung tâm Hội nghị quốc gia, quận Nam Từ Liêm.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, kết nối Hà Nội với khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng. Tuyến đường dài 105 km, trong đó phần qua Hà Nội dài 6 km, còn lại qua Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Mặt đường rộng từ 32,5 m đến 35 m với 6 làn xe chạy, tốc độ thiết kế 120 km/h. Ảnh chụp tại lối rẽ phải vào cao tốc, quận Long Biên.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Pháp Vân - Cầu Giẽ
dài 29 km, gồm 6 làn xe, là tuyến cao tốc huyết mạch phía nam Thủ đô với lưu lượng xe mỗi ngày đêm khoảng 70.000 chiếc. Theo quy hoạch, đường sẽ được mở rộng 8 làn trước năm 2030.

Đường Võ Nguyên Giáp
Đường Võ Nguyên Giáp
là một trong những tuyến hiện đại nhất Hà Nội, nối trung tâm thành phố với sân bay Nội Bài. Trong tương lai, dọc hai bên đường sẽ là trung tâm hành chính mới của huyện Đông Anh với điểm nhấn là tòa tháp cao 108 tầng. Tuyến đường dài 16 km, thiết kế 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, ôtô được chạy tối đa 90 km/h. Hai bên là đường gom dành cho xe hỗn hợp. Ảnh chụp tại đoạn qua huyện Đông Anh.

Đường Vành Đai 2
Vành đai 2,
theo quy hoạch dài 38 km, bắt đầu từ dốc Minh Khai chạy tới Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở (ảnh) - Đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Lạc Long Quân - đê Nhật Tân và vượt sông Hồng từ xã Phú Thượng sang xã Vĩnh Ngọc, qua Đông Hội, Đông Trù, quốc lộ 5, tiếp tục vượt sông Hồng tại Vĩnh Tuy, nối vào dốc Minh Khai thành một vành đai khép kín. Hiện vành đai 2 cơ bản xong một nửa ở phía nam sông Hồng, phía bắc đã có đoạn từ nút cầu Chui đến cầu Vĩnh Tuy. Từ tháng 1/2023, hơn 5 km đường trên cao từ phía nam cầu Vĩnh Tuy đến nút giao Ngã Tư Sở được thông xe, góp phần giải quyết ùn tắc ở nội đô.

Đường Vành Đai 3
Vành đai 3
bắt đầu từ đường Bắc Thăng Long - Nội Bài đến Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - Sài Đồng - cầu Phù Đổng - Ninh Hiệp - đi trùng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, chạy tiếp phía nam đường sắt vành đai để nối với Bắc Thăng Long - Nội Bài tại khu vực Quang Minh thành tuyến khép kín. Ảnh chụp tại nút giao vành đai 3 với đường Chu Văn An. Tuyến đường có nhiều đoạn hiện trạng cũ, phần đường trên cao được xây dựng mới từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì đã hoàn tất, giúp xe đi các hướng mà không phải xuyên qua trung tâm. Vành đai 3 luôn đông đúc, khoảng 124.000 xe mỗi ngày. Vành đai 2 và 3 đi qua nội đô được thiết kế cầu cạn cao tốc.

Đường Lê Văn Lương - Tố Hữu
Ngoài đại lộ Thăng Long, Hà Nội còn trục hướng tâm Lê Văn Lương - Tố Hữu và một số trục đường đang được đầu tư xây dựng như Tây Thăng Long, Hồ Tây - Ba Vì, Hà Đông - Xuân Mai, Tứ Liên - cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ngoài giải quyết giao thông đô thị, dọc các tuyến đường hướng tâm đang xây dựng mọc lên nhiều khu đô thị mới, văn phòng, trung tâm thương mại.

Sân bay Nội Bài
Sân bay Nội Bài
nằm ở phía bắc Thủ đô, cách trung tâm khoảng 40 km, là cửa ngõ hàng không kết nối với cả nước và quốc tế. Sân bay có hai đường hạ cất cánh đang hoạt động với kích thước 3.200x45 m, khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn như Boeing 747, Airbus 380. Nội Bài có hai nhà ga T1 quốc nội và T2 quốc tế với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, song năm 2023 đã đón gần 30 triệu hành khách, lớn thứ hai Việt Nam chỉ sau Tân Sơn Nhất. Nhà ga T2 đang được đầu tư mở rộng để sân bay có thể đón 40 triệu hành khách mỗi năm. (Ảnh: Phan Công).

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
dài 13 km đi trên cao qua 12 nhà ga. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, chở được 960 người, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h. Thời gian đoàn tàu chạy toàn tuyến là 23 phút. Tháng 11/2021, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông khai thác sau 10 năm đầu tư xây dựng. Sau 3 năm vận hành, tuyến này đã thu hút đông đảo người dân, mỗi ngày chở 35.000 lượt khách, trong đó 47% là người đi làm, 45% người đi học và 8% đi lại với các mục đích khác. Tuyến tàu điện đã góp phần giảm xe cá nhân, giải quyết ùn tắc phía tây nam Thủ đô và giảm ô nhiễm môi trường.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội
dài 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km, đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km. Ngày 8/8, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy đã được khai thác thương mại. Trong tuần đầu vận hành, tuyến này đã đón hơn 100.000 lượt khách trải nghiệm. Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội được kỳ vọng góp phần giải quyết ùn tắc phía tây Thủ đô, thay đổi diện mạo đô thị.

Công trình làm thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô.
Công trình làm thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô. (Đồ họa: Đăng Hiếu).

Cập nhật: 09/10/2024 VnExpress
  • 88