Sự nghiệp văn chương của nữ văn sĩ Svetlana Alexievich khắc họa đầy đủ Liên bang Xô Viết trong lịch sử nhân loại.
Đúng như dự đoán của giới cá cược, nữ văn sĩ Svetlana Alexievich trở thành chủ nhân giải Nobel Văn học thứ 112 trong lịch sử. Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố: “Giải Nobel Văn học 2015 được trao cho Svetlana Alexievich để tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta. Những dòng văn phi thường giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về cả một thời đại của thế giới - thời đại Liên bang Xô Viết".
Svetlana Alexievich là nhà văn nữ thứ 14 được trao giải thưởng này. Sinh ngày 31/5/1948 ở thị trấn Ivano-Frankivsk nước Ukraine, bà có cha là người Belarus còn mẹ là người Ukraine. Alexievich lớn lên ở Belarus, nơi cả cha mẹ bà làm nghề giáo. Bà học báo chí ở Đại học Minsk từ năm 1967 đến 1972. Sau khi tốt nghiệp, bà hoạt động trong nghề báo ở biên giới Ba Lan rồi chuyển về thủ đô Minsk làm việc.
Svetlana Alexievich trưởng thành từ nghề báo.
Trong sự nghiệp làm báo, bà từng phỏng vấn hàng nghìn nhân chứng trải qua những sự kiện chấn động nhất khối Liên Xô gồm Thế chiến II, Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan (1979 - 1989), sự sụp đổ của Liên Xô (1991) và thảm họa hạt nhân Chernobyl (1985). Những tác phẩm của bà được coi là biên niên sử bằng văn chương và bằng cảm xúc về lịch sử cũng như con người Xô Viết.
Cuốn sách đầu tiên của văn sĩ là War's Unwomanly Face, lấy nguyên liệu từ những cuộc phỏng vấn của tác giả với hàng trăm phụ nữ từng tham gia Thế chiến II. Tiểu thuyết là những dòng tự sự của các nhân vật nữ từng trải qua chiến tranh. Từng câu chuyện của mỗi nhân vật ghép nên bức tranh giàu chi tiết và mới mẻ về Thế chiến II. Sau khi xuất bản năm 1985, sách được tái bản hơn hai triệu cuốn. Ngoài mô tả chiến tranh qua góc nhìn nhân vật nữ, bà cũng viết về chiến tranh bằng góc nhìn trẻ em trong cuốn The Last Witnesses: the Book of Unchildlike.
Tiểu thuyết nổi bật khác của bà là Zinky Boys (1992), đề cập trực tiếp những trải nghiệm về chiến tranh Liên Xô - Afghanistan. Ngoài ra, bộ truyện Voices from Chernobyl của bà cũng được giới chuyên môn đánh giá cao khi xoay quannh thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Bìa cuốn sách "Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ".
Hầu hết tác phẩm văn chương của Alexievich hợp thành tuyển tập có tên Voices of Utopia - khắc họa đầy đủ lối sống con người khối Xô Viết trong chiến tranh và sau khi Liên bang tan rã. Cuốn mới nhất thuộc tuyển tập này là Second-hand Time: The Demisse of the Red (Wo)man – hoàn thành năm 2013.
Tác phẩm của Alexievich đã được xuất bản ở hơn 19 quốc gia như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc, Bulgary, Ấn Độ. Ngoài viết văn, bà cũng viết kịch và dựng phim.
Năm 1987, tiểu thuyết War's Unwomanly Face được Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ (Nhà xuất bản Đà Nẵng).