Peru công bố hóa thạch cá sấu có niên đại hơn 10 triệu năm

  •  

Hóa thạch cá sấu được phát hiện tại vùng sa mạc Ocucaje của Peru.

 Hóa thạch cá sấu cổ đại Peru.
Hóa thạch cá sấu cổ đại Peru. (Ảnh: Reuters).

Nhà cổ sinh vật học Mario Gamarra tại Viện Địa chất của chính phủ Peru, cho biết hóa thạch này là một con cá sấu gharial còn non dài từ 3-4m. Những con trưởng thành của loài này có thể dài từ 8-9m. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch của một con cá sấu non.

Nhà cổ sinh vật học Mario Gamarra cho biết: “Cá sấu gharial không còn tồn tại ở Peru nữa. Trên thực tế, chúng không còn tồn tại trên toàn bộ lục địa châu Mỹ. Nơi duy nhất trên thế giới mà cá sấu gharial vẫn còn tồn tại là ở châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ. Phát hiện này chứng minh về quy mô mở rộng địa lý của cá sấu gharial trong quá khứ. Không chỉ giới hạn ở châu Á, chúng cũng có thể sinh sống ở những nơi khác trên thế giới như Peru, Colombia, Venezuela”.

Cá sấu gharial có đặc trưng là chiếc mõm dài, mảnh dẻ chuyên dùng để bắt cá. Việc phát hiện ra hóa thạch cá sấu gharial tại sa mạc Ocucaje làm sáng tỏ sự phát triển của các loài cá sấu biển. Phát hiện này cũng củng cố vị trí của sa mạc Ocucaje như một địa điểm quan trọng cho nghiên cứu cổ sinh vật học toàn cầu. Trước đó, khu vực này từng phát hiện hóa thạch của cá voi lùn bốn chân, cá heo, cá mập và các loài khác sống trong thời kỳ Miocene - từ 5 đến 23 triệu năm trước.

Cập nhật: 02/12/2024 VOV