Trung Quốc phát hiện hóa thạch bọt biển có niên đại khoảng 540 triệu năm

  •  
  • 90

Khi tiến hành khảo sát thực địa về nguồn gốc hóa thạch cổ sinh vật học ở Thường Đức, Hồ Nam, Trung Quốc gần đây, Bảo tàng địa chất tỉnh Hồ Nam đã phát hiện và thu thập được một hóa thạch bọt biển lớn từ đầu kỷ Cambri, có niên đại 540 triệu năm.

Đây cũng là hóa thạch bọt biển hoàn chỉnh đầu tiên mà bảo tàng này thu thập được kể từ năm 1958.

 Hóa thạch bọt biển khoảng 540 triệu năm.
Hóa thạch bọt biển khoảng 540 triệu năm. (Ảnh: Tân Hoa xã).

Chuyên gia cổ sinh vật tại Bảo tàng Địa chất Hồ Nam Đồng Quang Huy cho biết, các nhân viên kỹ thuật đã thu thập được 15 mẫu hóa thạch trong cuộc khảo sát này. Trong số đó, hóa thạch bọt biển loại lớn từ đầu kỷ Cambri được bảo tồn hoàn chỉnh nhất. Căn cứ vào lớp địa tầng nơi hóa thạch được tạo ra, hóa thạch bọt biển được phát hiện lần này có niên đại khoảng 540 triệu năm, sớm hơn kỷ Cambri khoảng 20 triệu năm – thời kỳ bùng nổ sự sống.

Bọt biển đã xuất hiện trong các đại dương trên trái đất cách đây 600 triệu năm, bám vào các trầm tích dưới đáy biển và lấy thức ăn từ nước biển chảy qua cơ thể. Đây là động vật nguyên thủy nhất có thể thực hiện quá trình khoáng hóa sinh học, đồng thời cũng là động vật đầu tiên trên trái đất tham gia vào quá trình tuần hoàn của nguyên tố silic.

Theo nhà nghiên cứu tại Khoa Địa chất, Đại học Tây Bắc Hàn Kiện, sau khi xác định sơ bộ, đây là hóa thạch họ bọt biển ví, cũng là một trong những hóa thạch mang tính đại diện cho quần thể động vật Trừng Giang, Vân Nam (cách đây 518 triệu năm).

Ông Đồng Quang Huy đánh giá, khám phá này cho thấy đại dương vào thời điểm đó đã có sức sinh sản sơ cấp ở mức độ cao, lượng sinh vật phù du phong phú có thể hỗ trợ sự tồn tại của những loài bọt biển lớn và có khả năng tồn tại nhiều loài sinh vật khác. Các cuộc điều tra thực địa tiếp theo có thể sẽ chứng minh những dự đoán này.

Cập nhật: 03/04/2024 VOV
  • 90