Phát hiện cặp ngà voi ma mút 400.000 năm tại Siberia

  •  
  • 1.729

Một người dân vùng Siberia (Nga) trong lúc đào đất trồng rau ở vườn nhà đã khai quật được cặp ngà voi ma mút cổ có niên đại cách nay khoảng 400.000 năm.

Theo báo The Siberian Times, một người dân sống tại làng Oy vùng Yakutia trong lúc đang đào đất vườn trồng khoai tây và bắp cải đã phát hiện cặp ngà voi đặc biệt này.

Cặp ngà voi lộ diện rất ấn tượng
Cặp ngà voi lộ diện rất ấn tượng - (Ảnh: Siberiantimes).

Cặp ngà này là của một con voi ma mút thảo nguyên, loài voi cổ đã tuyệt chủng, có chiều dài 270cm và đường kính ở phần gốc khoảng nửa mét!

Loài voi ma mút thảo nguyên này tồn tại trước cả loài voi ma mút lông dài vốn rất nổi tiếng ở vùng Yakutia, còn được gọi là Cộng hòa Sakha.

Các chứng tích còn lại của loài voi ma mút lông dài tại Yakutia vẫn còn khá phổ biến, nhưng dấu vết về loài voi ma mút thảo nguyên đặc biệt hiếm và cũng có niên đại lâu hơn nhiều, có thể cách nay tới 400.000 năm.

Phần gốc của ngà voi có đường kính đến nửa mét
Phần gốc của ngà voi có đường kính đến nửa mét - (Ảnh: Siberiantimes).

Sử gia địa phương Prokopiy Nagovitsyn là thành viên của đoàn khảo sát đã tới tìm hiểu về phát hiện khảo cổ mà theo ông là "vô cùng đặc biệt".

Ông nói: "Vì những lý do dễ hiểu chúng tôi sẽ không cung cấp chính xác vị trí cũng như tên của người phát hiện ra chứng tích khảo cổ. Chúng tôi được mời tới thẩm định sự việc. Nhóm các nhà cổ sinh vật học cũng đang trên đường tới để nghiên cứu thêm".

Các thông tin chi tiết sẽ sớm được công bố.

Tuy nhiên ông Prokopiy Nagovitsyn cho biết: "Đây là cặp ngà của một con voi ma mút thảo nguyên, do đó phát hiện khảo cổ này có niên đại cách nay khoảng 400.000 năm".

Đo chiều dài ngà voi mới phát hiện
Đo chiều dài ngà voi mới phát hiện - (Ảnh: Siberiantimes).

Năm 2015, người ta từng tìm thấy một bộ xương nguyên vẹn của voi ma mút thảo nguyên ở vùng Nizhny Bestyakh của Yakutia.

Cập nhật: 09/06/2017 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.729