Phát hiện mảnh vỡ từ bức tượng ngà voi ma mút 40 nghìn năm tuổi

  •  
  • 1.013

Các nhà khảo cổ học từ ĐH Tubigen (Đức) đã tìm thấy mảnh vỡ bằng ngà voi thuộc về một bức tượng con vật có niên đại khoảng 40 nghìn năm. Các mảnh vỡ này được phát hiện ra tại khu vực hang Vogelherd tại vùng đất phía tây nam nước Đức, từng là nơi khai quật được nhiều hiện vật đáng kể có từ kỷ Băng hà.

Trước đó, cách đây khoảng 80 năm, các nhà khoa học cũng từng tìm thấy một mảnh vỡ bằng ngà voi ma mút mô tả hình dáng một con sư tử. Mảnh vỡ mới này dường như là nửa còn lại của cái đầu con vật, và sau khi được đưa đi kiểm tra, bức tượng được trưng bày tại Bảo tàng của ĐH Tübingen kể từ ngày 30/7.

Phát hiện mảnh vỡ từ bức tượng ngà voi ma mút 40 nghìn năm tuổi

“Đây là bức tượng mô tả một con sư tử” – GS Nicolas Conard, thuộc Viện nghiên cứu khảo cổ thời tiền sử và trung cổ nói – “Có thể đánh giá đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của thời Kỷ Băng hà, và cho đến tận bây giờ, chúng tôi cho rằng đây vẫn là một tác phẩm độc đáo đánh dấu thời kỳ cuối của nghệ thuật biểu tượng. Điều này thể hiện rõ ở cấu trúc 3D của tác phẩm”.

Phát hiện mảnh vỡ từ bức tượng ngà voi ma mút 40 nghìn năm tuổi
Hang Volgeherd

Hang Vogelherd bao trùm cả một khoảng không gian rộng khoảng 170m2, là địa điểm tìm thấy được nhiều hiện vật nhất trong bốn hang động ở vùng này. Đáng chú ý, những hiện vật ở đây đều thuộc về thời kỳ con người hiện đại đầu tiên xuất hiện ở châu Âu, và chúng là những hiện vật đầu tiên thể hiện nghệ thuật biểu tượng. Năm 1931, nhà khảo cổ Gustav Riek lần đầu tiên tìm được những hiện vật này trong một cái hang lửng hẹp, và sau đó đã có một cuộc khai quật mở rộng với kết quả là rất nhiều đồ cổ thuộc thời kỳ đồ đá.

Điều đáng nói là, mảnh vỡ bằng ngà voi được tìm thấy khi các nhà khảo cổ tổ chức một chuyến thăm lại địa điểm mà bậc tiền bối của họ từng làm việc thời những năm 30. GS Conard nói: “Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu khu vực này trong khoảng 10 năm. Khu vực này còn chứa rất nhiều hiện vật cổ cho thấy việc sản xuất các tạo vật của người tiền sử phát triển rất sớm, đặc biệt là khi con người hiện đại di chuyển đến châu Âu và thay thế người Neanderthal bản địa”. GS Conard cũng chỉ ra rằng hang Vogelherd đã cung cấp những bằng chứng vô cùng giá trị về sự hiện diện sớm nhất của âm nhạc và nghệ thuật trên thế giới ở khu vực này, và đây là yếu tố quan trọng để đưa hệ thống hang động này vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO.

Phát hiện mảnh vỡ từ bức tượng ngà voi ma mút 40 nghìn năm tuổi
Một vài hiện vật làm từ ngà voi ma mút khai quật được từ hang Vogelherd

Tính đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện ở hang Vogelherd 24 hiện vật hoặc mảnh hiện vật được làm từ ngà voi ma mút, trong đó có các bức tượng mô tả ngựa hoang, bò rừng bizon, tuần lộc, tê giác, voi ma mút, báo tuyết và cả tượng người. Theo GS Conard, các bức tượng này là những thí dụ lâu đời nhất và ấn tượng nhất về nghệ thuật thời Kỷ Băng hà. Cho đến nay, chúng cũng là những hiện vật cổ nhất minh chứng sự xuất hiện của con người hiện đại và cuộc thay đổi về văn hóa trước đó.

Theo Nhân Dân
  • 1.013