Thanh kiếm trong tay "chiến binh Tần" thay đổi lịch sử thế giới thế nào?

  •  
  • 3.442

Khám phá khảo cổ học này liên quan mật thiết đến Tần Thủy Hoàng trong lịch sử.

Kiếm đồng được sử dụng phổ biến vào thời Tiền Tần. Vào thời Xuân Thu và Chiến Quốc, kỹ thuật đúc kiếm cổ đại đã đạt đến đỉnh cao. Thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn được khai quật ở Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/1965. Đây là minh chứng rõ ràng nhất của "vũ khí ngắn" lúc bấy giờ.

Trong kỹ thuật đúc kiếm đồng, khâu quan trọng nhất là sự pha trộn đồng và thiếc. Nếu có ít thiếc, kết cấu sản phẩm sẽ yếu. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều thiếc, kết cấu của thanh gươm sẽ quá cứng, giòn và dễ gãy.

Vì vậy, để đảm bảo độ bền cho thanh kiếm, người xưa phải dày công tạo hình. Ví dụ, họ rút ngắn chiều dài của lưỡi kiếm, sau đó mở rộng và làm dày lưỡi kiếm. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho các thanh kiếm đồng cổ đại nói chung khá "cồng kềnh". Cho đến nay, hầu hết các thanh kiếm đồng cổ đại được khai quật đều có 3 đặc điểm "ngắn, rộng và nặng".

Theo thời gian, quy trình sản xuất vũ khí đã được cải tiến. Ở thời Xuân Thu - Chiến Quốc, một thanh kiếm có chiều dài khoảng 20 đến 60cm. Đến thời Tần, hình thức của kiếm đã có sự thay đổi.

Việc chuyển đổi từ kiếm đồng sang kiếm thép ở Trung Quốc cổ đại diễn ra vào thời nhà Tần và nhà Hán. Trước thời nhà Hán, người ta vẫn đúc một số lượng lớn kiếm đồng, tuy nhiên, một số khuyết điểm của kiếm đồng đã không đáp ứng được nhu cầu của con người. Không lâu sau, gươm làm bằng thép ra đời.

Tần kiếm
Tần kiếm. (Ảnh: Wudan Academy).

Vào những năm 1990, khi đoàn khảo cổ đang dọn hố số 1 của các chiến binh và ngựa đất nung của Tần Thủy Hoàng, họ vô tình tìm thấy một thanh kiếm kỳ lạ dài 91 cm. Vào thời điểm đó, việc khai quật thanh kiếm này khiến giới chuyên gia "chấn động". Bởi vì đây là lần đầu tiên một thanh kiếm cổ dài như vậy được tìm thấy.

Sau đó, vào năm 1994, các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện ra một loạt kiếm đồng ở Hố số 2. Chiếc ngắn nhất khoảng 80cm, và dài nhất 95cm. Điều này khiến mọi người tin rằng người Tần đã có bước đột phá trong việc đúc kiếm dài. Để cân bằng giữa độ dẻo dai và độ cứng của thanh kiếm, các thợ thủ công đã tìm ra tỷ lệ đồng và thiếc gần như hoàn hảo.

Trên những thanh Tần kiếm này xuất hiện một kỹ thuật gọi là "công nghệ đen". Bí quyết nằm ở lớp crom trên bề mặt của chúng. Lớp bọc này chỉ dày 10 micromet, tức chỉ bằng 1/10 độ dày của một tờ báo.

Chức năng của lớp crom này là bảo vệ lưỡi kiếm và chống gỉ. Khi so sánh Tần kiếm với Việt Vương Câu Tiễn kiếm thì kết quả bất ngờ. Tần kiếm mặc dù mỏng manh nhưng khi khai quật ra vẫn sáng như mới, có thể cắt một lúc 18 lớp giấy, độ bền cũng cao hơn so với thanh gươm còn lại.

Tuy nhiên, kỹ thuật tráng crom chỉ được công bố vào thế kỷ trước vào năm 1937 bởi các nhà khoa học Đức. Vào năm 1950, Hoa Kỳ đã xin cấp bằng sáng chế đối với công nghệ này. Chính vì vậy, việc Tần kiếm được khai quật đã làm chấn động cả thế giới. Lời giải đáp về sự ra đời đi trước nhân loại 2000 năm vẫn cần thời gian để đi tìm câu trả lời.

Cập nhật: 26/06/2024 Theo Tổ Quốc
  • 3.442