Phục dựng thành công khuôn mặt người đàn ông sống 700 năm trước

  •  
  • 4.019

Nhờ những công nghệ hiện đại, các nhà khoa học đã tái hiện lại khuôn mặt của một người đàn ông Anh sống vào thế kỷ 13, dựa trên những tàn tích 700 năm tuổi còn sót lại của ông ta.

Các vết tích còn sót lại như xương và răng của người đàn ông được các nhà nghiên cứu đặt tên là "Đối tượng 958", cho phép họ phân tích được nhiều điều, suy đoán nhiều thứ khác về cuộc đời của ông và tái tạo lại khuôn mặt của ông ấy.

"Đối tượng 958" là một phần của dự án mở rộng sau khi đã tìm hiểu về bệnh dịch hành bởi các nhà nghiên cứu ở Đại học Cambridge (Anh), nhằm tìm ra cách mọi người chống chọi và đã chết vì căn bệnh này vào thời kỳ lịch sử đó.

Khuôn mặt của một người đàn ông Anh sống vào thế kỷ 13.
Khuôn mặt của một người đàn ông Anh sống vào thế kỷ 13. (Ảnh: Chris Rynn/Đại học Dundee).

Nghiên cứu tập trung vào một cuộc khai quật lớn ở Cambridge bao gồm khoảng 400 bộ hài cốt được chôn cất hoàn chỉnh. Vị trí của chúng nằm gần bệnh viện St John và khu vực đã xảy ra bệnh dịch vào thời trung cổ, do đó các nhà nghiên cứu cho rằng "Đối tượng 958" đã chết do bệnh tật và nghèo đói.

"Đối tượng 958 có lẽ là một bệnh nhân của bệnh viện St John, một cơ sở từ thiện cung cấp thức ăn và nơi ở cho hàng chục dân làng nghèo khổ", John Robb, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, người đàn ông này đã ngoài 40 tuổi vào thời điểm ông ta chết, đã trải qua một cuộc sống lao động chân tay khổ sở, do sự hao mòn được nhận thấy rõ trên khung xương.

"Chúng tôi không thể nói được cụ thể công việc của ông ấy là gì, nhưng chắc chắn ông ta là con người của tầng lớp lao động, đã làm việc ở một loại hình thương mại chuyên biệt nào đó trong thời kỳ trung cổ", Robb cho biết thêm.

Dựa vào phân tích xương, "Đối tượng 958" đã có một chế độ ăn uống tương đối giàu thịt cá, điều ít gặp đối với những người nghèo khó. Điều này cho thấy dù ông ta thuộc giai cấp lao động tay chân nhưng công việc cho phép tiếp xúc nhiều với thực phẩm đắt tiền.

Ngoài ra, cách mai táng của ông cũng kỳ lạ: Ông được chôn xuống lòng đất, trong khi rất ít người thời trung cổ chấp nhận đặt xác của mình dưới mặt đất như thế.

Quá trình tái tạo lại khuôn mặt của "Đối tượng 958" bằng phần mềm máy tính và những dữ liệu thu thập được.
Quá trình tái tạo lại khuôn mặt của "Đối tượng 958" bằng phần mềm máy tính và những dữ liệu thu thập được. (Ảnh: Chris Rynn/Đại học Dundee).

Bằng cách kiểm tra hộp sọ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bằng chứng về chấn thương ở phía sau đầu gần gáy, nhưng chấn thương này không giết chết ông ta, vì ông ta đã được chữa lành trước khi chết.

Nhóm các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy dấu hiệu cho thấy men răng của ông đã ngừng phát triển trong hai lần khi ông còn trẻ, là dấu hiệu cho thấy bệnh tật hoặc sự thiếu hụt dinh dưỡng.

Dự án này được hợp tác nghiên cứu với Đại học Dundee ở Scotland, mục tiêu là để tìm hiểu thêm về số người nghèo chiếm đa số trong những người đã chết vào thế kỷ 13 do căn bệnh dịch hạch, hay sau này chúng ta còn gọi đến với cái tên là Cái chết Đen.

Chúng ta có rất ít thông tin về những người nghèo đã chết trong cơn thảm họa, dù họ chiếm rất đông. Những thông tin chúng ta có được hầu hết chỉ nói về những người giàu, tầng lớp tinh hoa của xã hội thời đấy.

Các nhà nghiên cứu đang tiến hành phân tích hộp sọ của "Đối tượng 958".
Các nhà nghiên cứu đang tiến hành phân tích hộp sọ của "Đối tượng 958". (Ảnh: Laure Bonner).

Dự án này được đánh giá là "nhân văn hóa con người nghèo khổ trong quá khứ", sử dụng khoa học để tìm ra cách những con người của tầng lớp thấp cùng trong xã hội đã có những kinh nghiệm nào để vượt qua cơn khó khăn.

Việc phục dựng này chỉ là một trong những nghiên cứu đầu tiên được công bố trong chuỗi các nghiên cứu khác của dự án. Dự án được tài trợ đến hết năm 2021, do đó ta sẽ được thấy nhiều gương mặt khác nữa ngoài Đối tượng 958 trong tương lai.

Cập nhật: 25/03/2017 Theo khampha
  • 4.019