Rắn mamba lục kịch chiến giành bạn tình trên bãi biển

  •   52
  • 1.241

Hai con rắn mamba lục liên tục quấn lấy nhau trên bờ biển Nam Phi, quyết giành phần thắng để giao phối với rắn cái.

Nhiếp ảnh gia Corlette Wessels trông thấy hai con rắn mamba lục đực quấn chặt nhau trong cuộc chiến giành bạn tình trên bãi biển South Coast, Nam Phi, Earth Touch News hôm 23/7 đưa tin.

"Lúc đầu chúng tôi rất sợ đến gần vì không biết chắc chuyện gì đang xảy ra", Wessels giải thích. Sau khi xác định không gặp nguy hiểm khi tiến gần hơn, Wessels lấy điện thoại để ghi lại sự kiện hiếm thấy. "Tôi bắt đầu quay phim bởi tôi biết đây là một cảnh tượng rất hiếm gặp và rất khó thấy hai con rắn mamba lục lớn chiến đấu trên bãi biển thêm lần nữa", Wessels nói.


Cuộc chiến của đôi rắn mamba lục trên bãi biển Nam Phi. (Video: YouTube).

Hành vi xoắn quanh cơ thể đối phương là cách rắn đực chiến đấu để cạnh tranh bạn tình và thường bị nhầm là tập quán giao phối ở họ rắn lục. Theo các chuyên gia, đây là cách phô bày sức mạnh của rắn đực.

"Cảnh tượng hơi giống một trận đấu vật sumo với động tác xô đẩy và cuối cùng, con nào có cú đẩy mạnh hơn sẽ giành phần thắng", chuyên gia về loài rắn Shaun Bodington giải thích.

Để thắng cuộc, những con rắn không ngừng đè lên mình nhau, cố hết sức ghì đối phương xuống đất. Con rắn yếu hơn sẽ rút lui, con thắng cuộc giành quyền giao phối với rắn cái ở gần đó.

Wessels theo dõi cuộc chiến suốt 15 phút cho tới khi hai con rắn đực tách khỏi nhau, bò vào khu rừng rậm ven biển.

Đôi rắn manba lục đang kịch chiến với nhau.
Đôi rắn manba lục đang kịch chiến với nhau.

Rắn mamba lục miền đông (Dendroaspis angusticeps) là một loài rắn rất độc sống trên cây ở châu Phi. Loài rắn này màu xanh lá cây với bụng màu vàng ánh xanh nhẹ. Đây là loài rắn mamba nhỏ nhất, chỉ dài trung bình 1,4 mét và độ dài tối đa của chúng là 2,4 mét.

Nọc rắn mamba lục có độc tính cao, chứa cả độc tố thần kinh và tim mạch. Triệu chứng trúng độc bao gồm sưng phồng ở vết cắn, chóng mặt, buồn nôn, khó thở và khó nuốt, nhịp tim bất thường và co giật dẫn tới tê liệt hô hấp. Tuy nhiên, rắn mamba lục miền đông sống biệt lập, rất ít khi tiếp xúc với con người.

Cập nhật: 25/07/2017 Theo VnExpress
  • 52
  • 1.241