Siêu trang trại bạch tuộc đầu tiên trên thế giới vấp phải sự phản đối của giới khoa học

  •  
  • 1.428

Các nhà khoa học cho biết nuôi hàng trăm ngàn con bạch tuộc trong lồng kín không giống như nuôi cá. Ai biết điều khủng khiếp nào có thể xảy ra sau đó?

Nueva Pescanova, một công ty ở Tây Ban Nha đang có kế hoạch mở một mô hình siêu trang trại mà chưa ai từng mở trước đây: Đó là một trang trại nuôi bạch tuộc thương mại đầu tiên và lớn nhất trên thế giới.

Công ty cho biết họ đã đầu tư hơn 65 triệu EURO vào đại dự án này. Nó sẽ được xây dựng ở cảng Las Palmas thuộc quần đảo Canary. Với quy mô ước tính, trang trại của Nueva Pescanova có thể sản xuất 3.000 tấn, tương đương 275.000 con bạch tuộc mỗi năm.

Trang trại của Nueva Pescanova có thể xuất xưởng 275.000 con bạch tuộc mỗi năm.
Trang trại của Nueva Pescanova có thể xuất xưởng 275.000 con bạch tuộc mỗi năm.

Điều này đang khiến các nhà khoa học lo ngại. Bởi bạch tuộc là một loài có cảm xúc, trí tuệ và hành vi xã hội cao, việc nuôi nhốt hàng trăm ngàn con bạch tuộc rõ ràng không giống như nuôi cá. Nó có thể được ví như nuôi hàng trăm ngàn con cá heo hoặc linh trưởng trong một môi trường khép kín.

Các nhà khoa học dự đoán sẽ có những chuyện khủng khiếp xảy ra trong mô hình trang trại kiểu này. Nó không phải mô hình tốt cho bạch tuộc và cho cả hành tinh.

Tại sao tự dưng người ta lại muốn nuôi bạch tuộc?

Có cầu thì ắt hẳn sẽ có cung. Đó là một quy luật. Bạch tuộc từ lâu vốn chỉ là một món ăn được ưa chuộng tại một số quốc gia Á Đông, Mexico cũng như ở Địa Trung Hải. Nhưng xu hướng du lịch và toàn cầu hóa cuối cùng đã phổ cập món ăn này tới nhiều quốc gia vốn không ăn bạch tuộc theo truyền thống.

Bạch tuộc được yêu thích vì cảm giác và phong cách ăn lạ miệng. Thịt bạch tuộc cũng giàu dinh dưỡng đặc biệt là hàm lượng đạm cao. Nó có thể được chế biến thành nhiều món, từ sushi, tapas, poke cho đến nhúng lẩu hoặc thậm chí ăn sống.

Nhu cầu tiêu thụ bạch tuộc ngày càng gia tăng.
Nhu cầu tiêu thụ bạch tuộc ngày càng gia tăng.

Nhu cầu bạch tuộc gia tăng cũng khiến nhu cầu săn bắt loài hải sản này tăng mạnh. Ước tính cho thấy thế giới hiện nay đang tiêu thụ khoảng 350.000 tấn bạch tuộc mỗi năm, con số gấp 10 lần so với thập niên 1950.

Nhưng sản lượng khai thác bạch tuộc tại một số quốc gia truyền thống như Nhật Bản và Tây Ban Nha đang giảm dần, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự ấm lên toàn cầu và hiện tượng axit hóa nước biển.

Hệ quả của điều đó là giá bạch tuộc trong những năm gần đây đã tăng vọt. Năm 2010, giá trị thương mại toàn cầu của mặt hàng này chỉ đạt 1,3 tỷ USD, nhưng đã tăng lên tới 2,72 tỷ USD vào năm 2019. Trong khi đó, lượng hàng hóa nhập cảng chỉ tăng khoảng 9%.

Việc nuôi nhốt hàng trăm ngàn con bạch tuộc rõ ràng không giống như nuôi cá
Việc nuôi nhốt hàng trăm ngàn con bạch tuộc rõ ràng không giống như nuôi cá.

Tất cả các điều kiện này hợp lại đã làm chín muồi ý tưởng con người cần nuôi bạch tuộc chứ không thể chỉ đánh bắt chúng trong tự nhiên nữa. Một số công ty tại Nhật Bản, Mexico và Hawaii trong những năm gần đây đã liên tục thúc đẩy ý tưởng này.

Và đến bây giờ, Nueva Pescanova tuyên bố họ sẽ là người tiên phong hiện thực hóa điều đó.

Nuôi nhốt một loài động vật có tri giác

Với khoảng 500 triệu tế bào thần kinh, bạch tuộc đã được chứng minh là có trí tuệ ngang với một đứa trẻ 3 tuổi. Đó là một sinh vật vô cùng phức tạp và thông minh, tiến sĩ Alex Schenell, một nhà sinh thái học hành vi người Australia chuyên nghiên cứu loài cephalopods (nhóm động vật chân đầu thân mềm bao gồm mực, bạch tuộc, ốc anh vũ…) cho biết.

Trong đời sống tự nhiên, bạch tuộc thường thể hiện sự tò mò của mình với các vật thể xung quanh. Chúng cũng có vào nhiều hành vi xã hội phức tạp như biết sử dụng trí thông minh để ngụy trang, thay đổi hình dạng và sử dụng công cụ như tìm cách trốn vào trong vỏ ốc hay chai lọ.

Bạch tuộc đã được chứng minh là có trí tuệ ngang với một đứa trẻ 3 tuổi. 
Bạch tuộc đã được chứng minh là có trí tuệ ngang với một đứa trẻ 3 tuổi.

Năm 2020, Netflix công chiếu một bộ phim tài liệu có tên là "My Octopus Teacher", sau đó đã đoạt giải Oscar năm 2021, cho thấy bạch tuộc thậm chí có thể trở thành bạn với con người.

Năm 2021, tiến sĩ Schenell đã cùng một nhóm các nhà khoa học khảo sát khoảng 300 nghiên cứu về trí tuệ và sự nhạy cảm của các loài động vật không xương sống, trong đó có bạch tuộc. Báo cáo công trình kết luận bạch tuộc là một loài động vật có cảm xúc cao, chúng biết vui vẻ, hưng phấn và ngược lại cũng biết đau đớn và khổ sở.

Vương Quốc Anh đã dựa vào báo cáo của tiến sĩ Schenell để công nhận bạch tuộc là một loài "có tri giác" (sentient beings). Trong Đạo Phật, "sentient beings" cũng có nghĩa là "chúng sanh", là những loài có ý thức, tình cảm và hiểu về cuộc đời của chính chúng.

Tiến sĩ Schenell vì vậy khuyến cáo con người không nên biến bạch tuộc trở thành đối tượng nuôi nhốt. Sẽ không có cách nào để đảm bảo phúc lợi cho loài sinh vật này nếu chúng ta nhốt chúng lại, cô cho biết.

Không gian hẹp kích thích bạch tuộc trở nên tàn bạo và ăn thịt đồng loại

Bạch tuộc vốn là một loài động vật sống đơn độc, chúng rất hạn chế tiếp xúc với đồng loại chỉ trừ khi giao phối. Nếu những con bạch tuộc vô tình chạm trán nhau trong tự nhiên, chúng có thể lao vào đánh nhau.

Những cuộc xung đột như thế này đi từ chỗ ném vỏ sò vào người nhau, đến các cú ra tua như võ sĩ đấm bốc. Và cuối cùng, những con bạch tuộc có thể vật lộn nhau như những chiếc áo choàng của Doctor Strange. Nếu con bạch tuộc thua cuộc không kịp trốn thoát, nó có thể bị con thắng cuộc ăn thịt.


Bạch tuộc ăn thịt đồng loại.

Đúng vậy, bạch tuộc là loài có hành vi ăn thịt đồng loại. Chúng làm vậy một mặt để bảo vệ lãnh thổ. Mặt khác, thịt bạch tuộc cũng đem lại năng lượng ròng cao hơn thịt các loài sinh vật biển khác.

Vì vậy, nếu buộc phải nuôi nhốt trong không gian kín với mật độ lớn, các nhà khoa học như tiến sĩ Schenell lo lắng rằng những con bạch tuộc sẽ ăn thịt lẫn nhau. Điều này vừa không tốt cho chúng, vừa không tốt cho bản thân trang trại đang muốn nuôi bạch tuộc lấy thịt.

Khi được hỏi về điều kiện mà họ dự định nuôi nhốt bạch tuộc trong trang trại, Nueva Pescanova đã từ chối trả lời. Nghĩa là chúng ta không có bất kỳ ý tưởng nào về kích thước, không gian và quang cảnh của các bể (bao gồm các chỗ trú ẩn cho bạch tuộc như vỏ ốc).

Những con bạch tuộc được nuôi trong trang trại sẽ trở thành một giống bạch tuộc mới
Những con bạch tuộc được nuôi trong trang trại sẽ trở thành một giống bạch tuộc mới.

Tuy nhiên, David Chavarrias, giám đốc trung tâm cho biết Nueva Pescanova đang tìm cách tối ưu hóa điều kiện bể nuôi để làm giảm tính hung hãn của bạch tuộc, đồng thời hạn chế chúng ăn thịt đồng loại.

Về lý thuyết, con người có thể đạt được điều này thông qua tiến trình thuần hóa. Tuy nhiên, thuần hóa xảy ra trong trang trại không phải là cách bạn thuần hóa một sinh vật và để chúng sinh tồn.

Những con bạch tuộc được nuôi trong trang trại sẽ trở thành một giống bạch tuộc mới, tương tự như những con thỏ đã bị mất hết bản năng sinh tồn ngoài tự nhiên. Hoặc chúng cũng có thể trở nên giống như những con gà công nghiệp, quá béo đến nỗi không thể đi lại mà chỉ lúc nhúc trong chuồng.

Dù là phương pháp nào thì việc nuôi nhốt bạch tuộc cũng vẫn là tàn nhẫn. 
Dù là phương pháp nào thì việc nuôi nhốt bạch tuộc cũng vẫn là tàn nhẫn.

Các nhà khoa học chắc chắn dù bất cứ phương pháp nào được áp dụng, việc nuôi nhốt bạch tuộc cũng vẫn là tàn nhẫn. Hiện tại cũng không có phương pháp nào được sử dụng để giết bạch tuộc được coi là nhân đạo.

Những con bạch tuộc bị giết để làm thức ăn cho con người thường bị luộc sống, bị kẹp đầu, chết ngạt hoặc đông cứng trong nước đá.

Nuôi bạch tuộc không tốt cho cả hành tinh

Nueva Pescanova cho biết họ đang có kế hoạch vay vốn từ Next Generation, một quỹ hỗ trợ các dự án kinh tế xanh của Liên minh Châu Âu (EU) để triển khai dự án trang trại bạch tuộc của mình.

Lý do mà họ đưa ra là bằng việc nuôi bạch tuộc, trang trại sẽ giúp giảm áp lực đánh bắt bạch tuộc trong môi trường hoang dã. Và điều này thì phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lại chỉ ra điều ngược lại. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy việc nuôi trồng thủy hải sản không bù đắp được tác hại của hoạt động đánh bắt ngoài tự nhiên, thậm chí có thể thúc đẩy nhu cầu hải sản cao hơn, khiến hoạt động đánh bắt tận diệt hơn.

Việc nuôi trồng thủy hải sản không bù đắp được tác hại của hoạt động đánh bắt ngoài tự nhiên.
Việc nuôi trồng thủy hải sản không bù đắp được tác hại của hoạt động đánh bắt ngoài tự nhiên.

Đối với riêng bạch tuộc, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Để nuôi loài sinh vật này, các trang trại sẽ phải dùng thức ăn chế biến từ bột cá. Bạch tuộc thì lại là một loài có tỷ lệ chuyển đổi thấp. Nghĩa là phải cần 3 kg thức ăn mới nuôi được 1 kg bạch tuộc.

"Do đó, việc nuôi bạch tuộc là phản tác dụng nếu nhìn từ góc độ môi trường bền vững", nghiên cứu năm 2019 đăng trên Issues in Science and Technology cho biết.

Theo WWF, khoảng một phần ba lượng cá đánh bắt trên toàn cầu được sử dụng để làm thức ăn cho các loài động vật khác. Vì vậy, nuôi bạch tuộc sẽ chỉ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng và khiến nguồn dự trữ cá cạn kiệt.

Cập nhật: 19/04/2022 Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.428