Siêu vận tải cơ lạ nhất thế giới có hãng hàng không riêng

  •  
  • 128

Máy bay hình cá voi trắng nổi tiếng của Airbus sẽ phục vụ hãng hàng không chở hàng Airbus Beluga Transport, chuyên chở vệ tinh, trực thăng, động cơ máy bay.

Beluga, máy bay chở hàng khổng lồ có hình dáng kỳ lạ của Airbus, đã hoạt động gần hai thập kỷ. Phương tiện chủ yếu vận chuyển các bộ phận máy bay giữa những cơ sở sản xuất của Airbus trên khắp châu Âu. Hiện nay, một phiên bản mới của Beluga đang thay thế đội máy bay nguyên bản, phục vụ hãng hàng không chở hàng mang tên Airbus Beluga Transport, theo CNN.

"Có vài lựa chọn trên thị trường đối với hàng hóa ngoại cỡ", Benoît Lemonnier, người đứng đầu Airbus Beluga Transport cho biết. "Hầu hết thường cần tháo rời một phần hàng hóa để đặt vừa trong máy bay trong khi Beluga sẽ chứa vừa".

 Beluga XL trong chuyến bay đầu tiên vào ngày 19/7/2018.
Beluga XL trong chuyến bay đầu tiên vào ngày 19/7/2018. (Ảnh: Airbus).

Mẫu Beluga đầu tiên ban đầu có tên Siêu vận tải cơ Airbus. Nhưng sau khi biệt danh đến từ hình dáng giống cá voi trắng của nó trở nên phổ biến, Airbus quyết định đổi tên mẫu máy bay thành Beluga ST, giữ lại tên ban đầu ở dạng viết tắt. Phương tiện bay lần đầu tiên năm 1994 và đi vào hoạt động năm 1995, sau đó lần lượt 4 máy bay Beluga ra đời, chiếc cuối cùng xuất xưởng cuối năm 2000.

"Beluga được phát triển để vận chuyển những bộ phận lớn của máy bay Airbus từ nhà máy ở Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ tới dây chuyền lắp ráp cuối cùng nằm ở Toulouse và Hamburg", Lemonnier giải thích. "Đây là một thiết kế rất độc đáo, bởi nó thực chất là phiên bản chỉnh sửa từ mẫu A300-600 với toàn bộ phần đầu được tháo ra, sau đó trang bị vỏ thân đặc biệt, cánh cửa lớn hơn và thiết bị bay riêng biệt".

Trước Beluga, Airbus sử dụng đội máy bay Super Guppy, phiên bản cải tiến của máy bay chở khách Boeing Stratocruiser vào thập niên 1950 từng được NASA sử dụng để chở các bộ phận tàu vũ trụ. Hiện nay, mẫu Beluga ban đầu đang được thay thế bởi phiên bản rộng và cao cấp hơn là Beluga XL.

Dài và lớn hơn ST, Beluga XL có thể chở cả hai cánh thay vì một cánh của máy bay Airbus A350, đối thủ của Boeing 787 và 777. XL dựa trên bộ khung hiện đại hơn nhiều là A330, theo Lemonnier. Từ năm 2018, 6 chiếc XL đã được chế tạo và chiếc mới nhất sẽ sớm được bàn giao cho hãng hàng không của Airbus. Beluga XL có thể thay thế hoàn toàn Beluga ST trong mạng lưới nội bộ của Airbus, vì vậy ST có thể sẵn sàng cho dịch vụ thay thế. Một trong những chiếc ST hiện có sẽ tiếp tục hoạt động cho Airbus và chở bộ phận máy bay, trong khi 4 chiếc còn lại sẽ phục vụ trong đội bay của hãng hàng không mới.

Do khoang hàng của Beluga ST cao hơn 50% và rộng hơn 10% so với máy bay chở hàng thông thường như Boeing 747-8F, phương tiện thường được sử dụng để vận chuyển đồ vật lớn như vệ tinh, trực thăng, động cơ máy bay, hệ thống mô phỏng bay, thuyền buồm và xe quân sự. Máy bay Beluga có thể bị ảnh hưởng bởi gió do phần đầu lớn, đó là lý do phi công cần huấn luyện đặc biệt. Nhưng về các mặt khác, nó rất giống máy bay A300-600 bởi buồng lái hoàn toàn không thay đổi.

Một hạn chế của phương tiện là tầm hoạt động 3.000km, có nghĩa hành trình từ châu Âu tới Mỹ đòi hỏi hai chặng dừng để tiếp nhiên liệu tại Azores và Canada. Hạn chế khác là trọng lượng hàng hóa tối đa 40 tấn bởi Beluga được thiết kế theo thể tích hàng. Các đối thủ như Antonov AN-124 có thể chở hàng hóa nặng gấp 3 lần và máy bay lớn nhất thế giới AN-225 bị phá hủy năm 2022 có sức chở 250 tấn.

Cập nhật: 04/06/2024 VnExpress
  • 128