Thành phố thời trung cổ Rodos nằm trên hòn đảo nổi tiếng Rhodes. Hòn đảo này được cả thế giới biết đến bởi đây là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Dodecanese, hòn đảo này không chỉ có lịch sử dâu dài mà trên hết nó là nơi sở hữu một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại – Tượng thần mặt trời Rhodes hay còn gọi là Tượng thần Helios.
Khu vực đô thị thời trung cổ nay là khu phố cổ trên đảo Rhodes được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới và là một trong những điểm du lịch phổ biến nhất tại Hy Lạp cũng như Châu Âu. Đây là một quần thể kiến trúc gồm được bao quanh bởi tường thành. Cuộc sống trong bức tường thành này đã từng rất nhộn nhịp, náo nhiệt đúng như một đô thị sầm uất vào thời kỳ hoàng kim của nó.
Hòn đảo này đã sớm có sự sinh sống của con người, theo các nhà lịch sử thì nơi đây có người định cư từ thời kỳ đồ đá mới. Mặc dù đến nay dấu tích và bằng chứng về điều này không còn lưu giữ được nhiều. Vào thế kỷ 16 trước công nguyên, những người Minoan đã đến Rhodes và đinh cư ở đây trong một thời gian rất dài. Theo thần thoại Hy Lạp, những người thời kỳ này được gọi là người Telchines. Thế kỷ 15 trước công nguyên, tộc người Mycenaea xâm chiếm đảo. Sau sự suy sụp của đế chế Mycenaea vào thời đại đồ đồng, những cư dân cũ trên đảo đã phục hồi lại cuộc sống của họ và cũng từ đây mở rộng giao thương buôn bán với người của đảo Síp.
Thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, các khu định cư trên đảo bắt đầu hình thành. Vào thời kỳ này người Dorian là tộc người có công xây dựng và hình thành các khu định cư. Họ đã xây dựng nên ba thành phố quan trọng là Lindos, Laylyssos và Kameiros. Cùng với 3 thành phố tiếp theo Kos, Cnidus và Halicarnassus đã tạo thành cái gọi là Hexapolis Dorian ( tiếng Hy Lạp có nghĩa là Sáu thành phố). Thần thoại Hy Lạp đã ghi lại: hòn đảo được sinh ra nhờ sự kết hợp của thần mặt trời Helios và nữ thần Rhode, do đó các thành phố trên hòn đảo được đặt theo tên những người con trai của họ.
Người Ba Tư đã xâm lược và chiếm hòn đảo trong nhiều thế kỷ cho đến khi bị quân đội Athens đánh bại. Sau cái chết của Alexandros, các tướng lĩnh của ông đã giành quyền kiểm soát đế quốc. Ba tướng Ptolemaios, Seleukos và Antiqonos đã thành công trong việc phân chia hòn đảo. Cũng từ đây Rhodes hình thành các quan hệ thương mại và văn hóa mạnh mẽ và liên minh với Ai Cập. Hoạt động thương mại của cả khu vực này đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ, sôi nổi cho đến thế kỷ thứ 3 trước công nguyên.
Thời kỳ đó thành phố đã phát triển mạnh mẽ thành trung tâm hàng hải, thương mại, văn hóa lớn của toàn khu vực. Đồng tiền riêng của đảo thậm chí được lưu hành khắp mọi nơi ở khu vực Địa Trung Hải.
Năm 305, Antigonos đã chỉ đạo con trai mình là Demetrios bao vây và đánh phá Rhodes nhằm phá vỡ liên minh giữa đảo và Ai Cập. Mặc dù trước đó, vào năm 304, Antigonos đã nhượng bộ và ký kết một thỏa thuận hòa bình để lại một lượng lớn các thiết bị quân sự. Người Rhodes đã bán các thiết bị này và dùng tiền đó để xây dựng nên bức tượng thần mặt trời nổi tiếng Helios – Tượng thần Mặt trời ở Rhodes.
Năm 672 sau công nguyên, Rhodes bị quân đội Hồi giáo của Muwiyah I đánh chiếm. Đến năm 1090 tiếp tục bị một đội quân Hồi giáo khác chiếm giữ tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó Hoàng đế Alexius I Cornnenus của La Mã ( Đông La Mã) tái chiếm lại hòn đảo này trong cuộc thập tự chinh lần thứ nhất.
Năm 1309 thời kỳ Đông La Mã kết thúc khi hòn đảo bị các lực lượng Hiệp sĩ cứu tế chiếm đống. Dưới sự cai trị của thế lục mới có tên gọi là " Hiệp sĩ Rhodes". Vào giai đoạn này các Hiệp sĩ Rhodes đã tái xây dựng thành phố và nơi này trở thành một thành phố lý tưởng tại Châu Âu.
Sau đó, hòn đảo còn bị chiếm đóng, tranh giành giữa các thế lực vài lần. Cũng vì lý do đó mà trên đảo có nhiều dân tộc có nguồn gốc khác nhau gồm cả người Do Thái. Năm 1919, người Ý chiếm Rhode từ tay người Thổ. Cho đến tận năm 1947, cùng với các hòn đảo khác, Rhodes thống nhất vào Hy Lạp.
Bức tượng thần mặt trời trên đảo Rhodes từng là biểu tượng của Hy Lạp, là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Theo tư liệu ghi lại thì bức tượng đồng khổng lồ này được dựng bên bến cảnh, hoàn thành vào năm 280 trước công nguyên. Trong trận động đất lớn năm 224 trước công nguyên, bức tượng bị phá hủy hoàn toàn, đến nay không còn một chút dấu vết nào của bức tượng còn lưu giữ được.
Các di tích lịch sử trên đảo Rhodes còn lưu giữ được đến hôm nay gồm Vệ thành Lindos; Vệ thành Rhodes; Đền thờ Apollo; Cung điện thống đốc; Bảo tàng khảo cổ học; Các di tích lâu đài Monolithos và lâu đài Kritina. Đặc biệt nhất là khu phố cổ Rhodes (hay còn gọi là Rodos) cùng với các công trình trong khu phố đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1988.