Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) đã công nhận Thành phố lịch sử Sukhothai của Thái Lan là Di sản Văn hóa thế giới năm 1991.
Sukhothai là Vương quốc đầu tiên của người Thái ở đất nước xinh đẹp này. Hai vị hoàng tử là Pho Khun Pha Muang của thành phố Rat và Pho Khun Bang Klang Hao của thành phố Bangyang kết hợp lực lượng chiến đấu chống người Khmer lúc đó đang cai trị một đế quốc rộng lớn bao gồm toàn bộ vùng đất này của thế giới. Sau cuộc chiến đấu, Hai vị hoàng tử đuổi được người Khmer ra khỏi Sukhothai, là khu vực đồn tiền phương chính của Đế quốc Khmer, và lập đô tại đây vào năm 1238. Trước sự hối thúc của nhân dân lập vua, Hoàng tử Pho Khun Bang Klang Hao lên ngôi xưng là Pho Khun Si Indrathit.
Vua Si Indrathit có hai người con tên là Pho Khun Ban Muang và Pho Khun Ramkhamhaeng. Sau khi vua cha qua đời, Hoàng tử Pho Khun Ban Muang kế vị. Người em là Hoàng tử Pho Khun Ramkhambaeng lên ngôi vào năm 1278 và cai trị trong 40 năm, trở thành Đại Vương đầu tiên của người Thái.
Thành phố cổ Sukhothai là miền đất Phật với nhiều chùa chiền và công trình Phật giáo.
Vua Ramkhamhaeng là một trong những chiến binh giỏi nhất của Thái Lan đã biến Sukhothai trở thành một vương quốc hùng mạnh và rộng lớn bao gồm nhiều vùng hiện nay thuộc các quốc gia lân cận. Một số cổ thành đã triều cống vị vua này.
Vua Ramkhamhaeng mở mang quan hệ chính trị trực tiếp với Trung Hoa và đến nước này hai lần: lần thứ nhất vào năm 1282 để thăm viếng Hoàng đế Hốt Tất Liệt và lần thứ hai vào năm 1300 sau khi Hốt Tất Liệt chết.
Trở về sau chuyến đi lần hai, Vua Ramkhamhaeng mang theo các thợ thủ công để dạy người Thái nghệ thuật làm đồ gốm. Ngày nay nhiều nhà sưu tập rất hăm hở tìm cho được "Đồ gốm Sangkhalok".
Một thành tựu chính yếu của Vua Ramkhamhaeng là việc sửa lại các loại mẫu tự Khmer thành hệ thống thích hợp để viết các từ của Thái. Mẫu tự do Vua sáng chế vào năm 1283 về cơ bản giống như các mẫu tự sử dụng ngày nay.
Vua Ramkhamhaeng cũng đã cho đẩy mạnh phát triển tôn giáo và văn hóa và nhờ những nỗ lực này Đạo Phật đã được phổ biến trong nhân dân. Niềm tin tràn đầy cảm hứng đã khai sinh các loại hình cổ điển kiểu Thái về nghệ thuật tôn giáo. Hình tượng về các tác phẩm điêu khắc Phật Tổ trong kỷ nguyên Sukhothai là những báu vật văn hóa lưu truyền cảm xúc yên bình và thanh thản.
Tổng cộng có 8 đời vua trị vì Sukhothai cho đến khi Sukhothai suy tàn dần dần vào hai triều cuối cùng. Vương quốc Thái đầu tiên đã chấm dứt vào năm 1365 và trở thành nước chư hầu của Ayutthaya, một quyền lực trẻ trung và đang gia tăng sức mạnh về phương nam. Ayutthaya trở thành thủ đô của Thái Lan trước Bangkok.
Thành phố cổ Sukhothai nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 427km về bắc. Hiện nay thành phố cổ Sukhothai đã bị tàn phá nhiều, những gì còn của thành phố vĩ đại ngày xưa vẫn còn được bảo tồn gồm các tàn tích cung điện hoàng gia, đền chùa thờ Phật, cổng, tường, hào, đập chứa nước, mương nước, ao hồ của thành phố. Các con kênh và hệ thống đê điều tiết nước từng là trung tâm về tâm linh và huyền bí của vương quốc ngày nay được Bộ Mỹ thuật bảo tồn và phục hồi trong chương trình hợp tác với UNESCO, nhằm không những tăng cường bản sắc quốc gia Thái Lan mà còn giữ gìn một tấm gương mẫu mực về di sản văn hóa nhân loại. Tất cả các công trình này được bảo tồn tại công viên Sukhothai, công viên mở cửa hàng ngày từ 6:00 đến 21:00 thu hút rất đông khách thăm quan.
Ngoài công viên Sukhothai, tại tỉnh Sukhothai còn một số di tích, điểm thăm quan như: Bảo tàng Quốc gia Ramkhamhaeng; Cung điện hoàng gia và chùa Mahathat; Đài tưởng niệm vua Ramkhamheang; Chùa Chang Rop; Chùa Chang Lom.... Là một trong những di sản văn hóa, lịch sử quan trọng nên thành cổ Ayutthaya được Chính phủ Thái Lan rất chú trọng trong công tác bảo tồn, trùng tu..Đây cũng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của đất nước Thái Lan.