Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận - Thủ đô Cairo lịch sử của Ai Cập là Di sản văn hóa thế giới năm 1979.
Cairo có diện tích 453 km2 với ngôn ngữ chính là tiếng Ả rập. Lịch sử xây dựng thành phố Cairo liên quan đến việc du nhập của các dân tộc Ả rập. Năm 641, người Ả rập đánh chiếm khu vực sông Nile, xây dựng nên thành phố Cairo ngày nay.
Đây chính là những nền móng ban đầu của Cairo. Năm 969, vương triều Photima Ả rập của Tunis chinh phục Ai Cập, xây dựng thêm một thành phố mới khác là Foctater nằm ở phía Bắc. Năm 973 vương triều dời đô đến đây lấy tên là Cairo. Trong tiếng Ả rập nó có nghĩa là "thắng lợi". Khoảng giữa thế kỷ 14, Cairo phát triển nhanh chưa từng thấy, trở thành thành phố lớn nhất châu Phi và Tây Á lúc bấy giờ. Sau đó vài thế kỷ, Cairo trải qua nhiều bước thăng trầm, lần lượt bị người Thổ Nhĩ Kỳ, thực dân Anh - Pháp chiếm lĩnh. Năm 1922, Ai Cập trở thành vương quốc độc lập. Năm 1952, tổ chức sĩ quan do Gamal Abdel Nasser lãnh đạo phát động "Cuộc cách mạng tháng 7", lật đổ vương triều Farouk, năm sau đổi thành nước Cộng hòa. Đến nay, Cairo là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Ai Cập.
Ẩn mình giữa những khu đô thị hiện đại là trung tâm lịch sử của Cairo vốn là thành phố Hồi giáo cổ nhất thế giới. Nơi đây có những nhà thờ Hồi giáo, những khu phố cổ, những công trình kiến trúc Hồi giáo hàng nghìn năm tuổi. Thành phố Hồi giáo tại thủ đô Cairo được hình thành vào thế kỷ thứ 10, tuy mới chỉ hơn 1000 năm tuổi song thực chất vùng đất này lại là tiền thân của Ai Cập cổ đại – một trong những nền văn minh xuất hiện đầu tiên và lớn nhất trên thế giới.
Nằm bên bờ sông Nile huyền thoại, Cairo nổi tiếng và được cả thế giới biết đến bởi lịch sử phong phú, hấp dẫn với nhiều truyền thuyết bí ẩn. Cairo còn được mệnh danh là "thành phố ngàn tháp" do cả thành phố có tới hơn 1000 nhà thờ cùng hơn 1000 toà tháp gắn với huyền thoại về những vị vua chúa lẫy lừng. Ai Cập có tất cả 97 kim tự tháp lớn nhỏ, song các kim tự tháp ở gần Cairo và Gija là nổi tiếng hơn cả, những kim tự tháp như: kim tự tháp Khufu, kim tự tháp Khafre, kim tự tháp Dioser... đều có tuổi từ 4.400 năm đến 4.600 năm. Đặc biệt kim tự tháp Giza và Saqqara là những kim tự tháp đầu tiên được xây dựng bởi kiến trúc sư Inhotep – nhân vật chính lừng lẫy được biết đến qua seri phim Xác ướp Ai cập.
Mặc dù là thành phố gắn liền với quá khứ, nhưng Cairo ngày hôm nay cũng là một thành phố hiện đại và rất phát triển. Tổng dân số tại Cairo hiện nay vượt quá con số 16 triệu người, là một trong những thành phố lớn nhất Châu Phi là là thành phố đứng thứ 19 trên thế giới về dân số. Khu vực Midan Tahrir nằm trong khu trung tâm lịch sử Cairo được xây dựng vào thể kỷ 19. Thời điểm xây dựng khu trung tâm mới này, chính quyền thành phố đã hy vọng rằng có có thể trở thành một "Paris trên sông Nile". Ngoài khu vực trung tâm Midan Tahrir, Cairo hiện đại ngày hôm nay còn có những trung tâm thương mại rất sầm uất khác như Ma'adi và Heliopolis. Cairo cũng là một trong những thành phố phát triển du lịch trên thế giới với số lượng khách thăm quan, du lịch lên tới 10.000 khách mỗi ngày.
Nền kinh tế Cairo chủ yếu dựa trên cơ sở hoạt động dịch vụ du lịch, thương mại và sản xuất công nghiệp. Công nghiệp bao gồm các ngành chế biến kim loại, dệt, thuốc lá... Ngoài ra, còn có các ngành thủ công cổ truyền vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Tất cả các ngành ngân hàng, tài chính, quá cảnh thương mại của Ai Cập đều có trụ sở ở Cairo.
Là trung tâm văn hóa và giáo dục của Ai Cập, Cairo thu hút nhiều sinh viên từ các nước Ả rập ở Trung Đông. Trường đại học Tổng hợp Cairo là một trung tâm đào tạo lớn. Các công trình văn hóa như: Bảo tàng Quốc gia Ai Cập, Bảo tàng nghệ thuật Islamic, Thư viện quốc gia cùng các giáo đường và các khu chợ phương Đông nổi tiếng...
Thành phố Cairo của ngày hôm nay đã trở thành một thủ đô hiện đại, sầm uất và đông dân cư..dù vậy nơi này vẫn còn giữ được dáng vẻ bí ẩn, cổ kính với các công trình được xây dựng từ hàng trăm năm trước.
Sự phát triển của thành phố cũng như phát triển du lịch mang lại cho người dân một cuộc sống đầy đủ, song bên cạnh đó là những ảnh hưởng tất yếu đến di sản văn hóa nơi đây. Các khu nhà cao tầng, các trung tâm thương mại mọc lên như nấm đã phá vỡ cảnh quan của di sản. Lượng khách du lịch quá tải cũng khiến các di sản tại đây xuống cấp nhanh chóng. Với mục đích bảo vệ di sản văn hóa, tái thiết những công trình cổ thuộc khu vực trung tâm lịch sử ở Cairo, đưa di sản này trở lại thời hoàng kim với những giá trị vốn có. Tháng 9 vừa qua, Tổ chức Unesco đã lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ Ai Cập từ các tổ chức quốc tế, và các quốc gia thành viên của Ủy ban di sản thế giới trong một chương trình họp được tổ chức mới đây giữa chính phủ Ai Cập và một số tổ chức quốc tế. Lời kêu gọi đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng là lời cảnh báo để chính phủ Ai cập cần thắt chặt hơn các hoạt động quản lý du lịch hạn chế tối đa tác hại có thể đối với di sản.
Bên cạnh thành phố cổ Thebes thì Cairo là nơi không thể bỏ qua đối với bất kỳ khách du lịch nào khi đến du lịch tại Ai Cập.