Thành cổ Hwaseong ở Suwon

Di sản văn hóa thế giới tại Hàn Quốc
  •  
  • 1.904

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận Thành cổ Hwaseong ở Suwon của Hàn Quốc là Di sản Văn hóa thế giới năm 1997.

Thuộc địa phận thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), pháo đài và thành cổ Hwaseong được xây dựng vào thế kỷ 18.

Suwon là thủ phủ vùng Gyeonggi-do, cách Thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 30 km. Suwon thu hút khách du lịch quốc tế với bởi khí hậu mát mẻ, non xanh nước biếc, thành quách rêu phong và những lễ hội văn hóa đặc sắc đượm màu truyền thống nơi đây.

Đô thị Suwon hình thành từ thời xa xưa ở Hàn Quốc với tên gọi ban đầu là Mosu-guk. Qua mỗi triều đại phong kiến, Suwon đều có một tên gọi khác nhau.

Công trình kiến trúc độc đáo này do KTS Jeong Yakyong - người đứng đầu trường phái Thực học ở Joseon bấy giờ thiết kế và chỉ huy thi công theo lệnh vua Jeongjo với mục đích bảo vệ lăng mộ của cha mình.

Tên Suwon được vua Taejong của vương triều Joseon đặt năm 1413.Theo truyền thuyết vào thế kỷ XVIII, vua Yeongjo của vương triều Joseon nghi ngờ hoàng tử Sado mưu phản nên đem xử tử. Khi đó, vợ hoàng tử Sado và con trai Jeongjo trốn thoát được. Khi vua Yeongjo qua đời không có người kế nghiệp, Jeongjo được đưa lên làm vua. Vua Jeongjo muốn dời đô từ Seoul về Suwon – nơi có phần mộ của cha mình. Ông bắt đầu cho xây bức tường thành quy mô đồ sộ bao quanh Suwon. Nhưng vua Jeongjo băng hà sớm, chưa kịp dời đô.

Tòa thành đồ sộ được xây bằng gạch và đá hoa cương, kết hợp giữa các trường phái kiến trúc thành cổ của Trung Quốc và Nhật Bản với phong cách xây dựng pháo đài phòng thủ của phương Tây vào cuối thời Trung cổ.

Kể từ đó hằng năm, các vua của vương triều Joseon đều đến tế lễ hoàng tử Sado. Vì thế Suwon được người đời sau mệnh danh là "Thành phố của lòng hiếu thảo". Suwon ngày nay đan xen nét cổ kính và hiện đại, là một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao và công nghiệp quan trọng của Hàn Quốc.

Suwon được người đời sau mệnh danh là "Thành phố của lòng hiếu thảo".

Đến thăm Suwon không du khách nào có thể bỏ qua thành cổ Hwaseong. Thành Hwaseong được vua Jeongjo cho xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII để bảo vệ lăng mộ của cha mình.

Tường thành Hwaseong được xây vững chắc bằng gạch và đá. Thành có chiều dài 5,74 km và chiều rộng từ 4 đến 6 mét, các ụ của tường thành làm bằng đá cao 1,2 mét. Ban đầu, tường thành có 48 công trình bao quanh khu vực diện tích 1,3 kilomet vuông. Trải qua nhiều biến cố của thiên nhiên và lịch sử, tường thành ngày nay chỉ còn lại 39 công trình gồm 4 cổng bảo mật, 1 cống thủy lợi, 2 tháp canh, 4 trạm gác, 2 trạm chỉ huy, 2 chỗ bắn tên, 5 đài bắn súng, 5 vị trí canh gác, 4 đình, 1 tháp báo hiệu, 9 tháp pháo.

Vua Jeongjo muốn xây dựng Hwasong thành một pháo đài bất khả xâm phạm, không chỉ mang tính phòng thủ mà còn coi nơi này như là kinh đô phía Nam của đất nước.

Bốn cổng vào thành Hwaseong đều có các pháo đài nhỏ bao quanh, phân bố ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Cổng phía Bắc và Nam có đài 2 tầng bằng gỗ, hai cổng này lớn hơn phía Đông và Tây. Hai tháp canh đều có 3 tầng, đỉnh là đài quan sát với nhiều lỗ châu mai. Tháp báo hiệu có 5 ống khói, dùng tạo những tín hiệu bằng lửa hoặc khói khác nhau. Theo quy ước của thành thì một cột khói bốc lên có nghĩa là yên bình, 3 cột khói là quân thù đang tiến đến, 5 cột khói là chiến tranh bắt đầu.

Công trình này đã tiêu tốn 870.000 nyang (đơn vị tiền tệ của Joseon đương thời) từ quốc khố, cùng 1.500 bao gạo để trả công cho thợ thuyền.

Sau khi hoàn tất, Hwaseong trở thành một quần thể kiến trúc đảm nhận các chức năng quân sự, chính trị và thương mại, vừa giúp vương triều Joseon trụ vững trước các cuộc tấn công của kẻ thù bên ngoài, vừa là cửa ngỏ để Triều Tiên thông thương mậu dịch với bên ngoài.

Hàng năm bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11, tường thành là nơi tổ chức biểu diễn các trình diễn võ thuật, cụ thể là 24 thế võ mà các binh lính thời Jeongjo từng luyện tập.

Cung điện Haenggung xây dựng năm 1789 tại phía Đông chân đồi Paldalsan trong tường thành Hwaseong. Đây từng là nơi ở của vua Jeongjo khi ông đến Suwon viếng mộ cha mình. Cung Haenggung được xây dựng theo hình chữ nhật gồm 22 tòa nhà với 600 gian phòng. Cổng chính vào cung điện nằm ở trung tâm Suwon. Khi vua không ở, cungHaenggung sử dụng làm trụ sở hoạt động chính của các quan lại vùng Suwon; tổ chức lễ mừng thọ hoàng gia, đại tiệc cho bô lão và các kỳ thi quốc gia.

Năm 1997, Hwaseong được tổ chức UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới.

Ngày nay, trước cổng vào cung điện được sửa chữa để trở thành là một trung tâm dịch vụ du lịch 3 tầng với một phòng triển lãm và rạp chiếu phim 3D. Gần cung điện Haenggung là điện thờ Hwaryeongjeon, xây dựng vào năm 1801, lưu giữ bức chân dung của vua Jeongjo.

Ngày nay, trước cổng vào cung điện được sửa chữa để trở thành là một trung tâm dịch vụ du lịch 3 tầng

Thành cổ Hwaseong ở Suwon được Unesco công nhận theo tiêu chí (ii), (iii).

Tiêu chí (ii): Pháo đài và thành Hwaseong là những công trình đỉnh cao của kiến trúc quân sự thế kỷ thứ 18. Thành được xây dựng dựa trên những ý tưởng khoa học tốt nhất từ Châu Âu và Châu Á. Thành cũng là minh chứng quan trọng thể hiện sự phát triển của ngành xây dựng khi áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc thiết kế, xây dựng. Bên cạnh đó, thành còn là một công trình kiến trúc đẹp có nhiều ảnh hưởng đến kiến trúc và cảnh quan của các kiến trúc khác trong vùng.

Tiêu chí (iii): Thành cổ Hwaseong ở Suwon là thành được xây dựng hoàn hảo với các chức năng phòng thủ tuyệt vời nhưng vẫn phù hợp cho các hoạt động thương mại và chính trị. Thành cổ Hwaseong còn là minh chứng cho sự phát triển của xã hội Hàn Quốc vào thế kỷ 18.

Gần cung điện Haenggung là điện thờ Hwaryeongjeon, xây dựng vào năm 1801, lưu giữ bức chân dung của vua Jeongjo.

Cập nhật: 11/01/2016 Theo disanthegioi.info
  • 1.904